AN TOÀN LÀ MỘT NHU CẦU CẤP THIẾT – Nguyen My Khanh

Tôi ngồi đây, nhìn cuộc đời trôi qua vẫn với câu hỏi: có phải an toàn là một nhu cầu cấp thiết trong đời sống, ta có quyền mưu cầu được sống trong một xã hội an toàn không? Một câu hỏi từ thưở thiếu thời mà tới giờ vẫn chưa giải đáp nổi.

Ừ thì, “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng khi bò chưa mất thì vì cứ mãi mưu sinh, có biết “cái chuồng” có được xây và xây ra sao đâu, bò mất rồi mới giật mình nhìn lại, trời ơi, tứ bề lổm nhổm, những thứ thuộc về an sinh, cần phải an toàn thì đang đánh đu trên hàm răng già rệu rạo xiêu lệch, chực chờ sụp đổ. Người ta đã làm gì với những đồng tiền đóng thuế từ mồ hôi nước mắt của mình?Nguyen My Khanh

Một điều cũ rích: xã hội phải được tổ chức, quy hoạch- xây dựng đúng theo một chuẩn cơ bản nào đó để ít nhất người dân được an toàn, nhưng vì sao tới bây giờ, chúng ta vẫn bất an, khủng hoảng với ô nhiễm từ không khí, nguồn nước, thực phẩm, giao thông, giáo dục, y tế…

Ai cũng biết nguyên nhân sâu xa là Ý THỨC, KIẾN THỨC, TRÁCH NHIỆM kém. Riêng ý thức phải hình thành từ giáo dục, rất kiên trì và khó khăn, nhưng giáo dục cứ mãi giáo điều sáo rỗng thì chỉ sinh ra được mỗi dối trá, khôn lỏi và tham lam mà thôi.

Ý THỨC, đương nhiên là tự bản thân mỗi người, nhưng phải được xây dựng và chế tài bởi luật pháp, cứ nhìn những người Việt Nam vừa di dân sống ở nước ngoài vài năm gần đây sẽ thấy ngay sự khác biệt về ý thức, vì sao vậy?

Một khi hành pháp không nghiêm, một nhóm lợi ích nào đó còn ngang nhiên, công khai đứng trên pháp luật thì ý thức nhanh chóng bị phá huỷ, vì người lương thiện bị mất niềm tin trầm trọng, người cơ hội tranh thủ lách luật, đút lót, buôn chức và tranh giành quyền lực, để làm giàu cấp kỳ, bất chấp thủ đoạn, bất chấp hậu quả.

Trong cơn lốc buôn và tranh giành đó, hậu quả dễ thấy là bao nhiêu sinh mạng người vô tội đã ra đi oan ức, bao nhiêu gia đình phải âm thầm ly hương để tìm bến an toàn. Nhưng hậu quả âm ỉ – kinh hoàng hơn, nó như cơn sóng ngầm, nó phá vỡ tất cả, chính là XH đã sinh ra một lớp người học hành lơ mơ, dốt nát, hám danh, hám lợi, vô tâm, vô trách nhiệm, ích kỷ, vênh váo, láo toét và độc ác, đã quen tay thực hành điều ác như thể đang làm thiện nguyện.

Bạn có thấy họ không? Hay chính những thói tật kinh hoàng đó đã và đang lây lan ngấm dần sâu bên trong bản thân mình mà không nhận ra. Bạn có thấy triệu chứng này không: trước điều xấu, điều ác, ban đầu ta khó chịu kinh khủng, ta phản đối mạnh mẽ, sau nhiều quá, ta bị quen tai, quen mắt, giảm bớt độ khó chịu, rồi chai lỳ dần, dẫn tới xem nó là điều bình thường, rồi hiển nhiên cho rằng, XH ta là vậy, nhiều lắm chỉ còn chép miệng, thở dài và mặc nhiên chấp nhận: ừ thì ta phận mỏng, cánh chuồn, thấp cổ bé họng, dân đen, có làm gì được ai đâu, ừ thì ta ráng bảo bọc con ta, gia đình ta, ta ráng sống tốt là đủ.

Ừ thì, giữ được bản thân trong cơn lốc xoáy là quá giỏi, nhưng liệu ta có thật sự được an toàn không, khi mà cứ chuẩn bị ra đường thì cái đầu đã lo đối phó với hàng tá chuyện: kẹt xe, tai nạn giao thông, điện giật, nước ngập, cây ngã đè, giàn giáo sập, đồ rơi từ tầng cao… toàn nhân tai chứ chưa tính tới thiên tai, cũng chưa tính tới ăn uống, hít thở gì cả. Tức quá, chửi cho hả dạ, nhưng chửi rồi cũng không làm xã hội hết bất an. Huhu.


Ừ thì đương nhiên việc xây dựng một xã hội an toàn, cần nhất là từ phía các nhà quản lý, các nhà chính sách, nhưng vẫn rất cần từ mỗi người dân. Nếu bạn Ý THỨC ĐẦY ĐỦ về an toàn chung, biết lùi một chút lợi ích cá nhân để nhường lợi ích cộng đồng ra phía trước, biết cẩn trọng từng chút trong công việc của mình, tức là góp phần đẩy lùi phần nào nguy hiểm cho xã hội.

Một khi bạn thật sự có ý thức, nó sẽ lan toả, bạn sẽ lưu ý nhắc nhở người cùng làm, cùng sống thực hiện tốt hơn, bạn phát hiện nguy hiểm sẽ cảnh báo và kêu gọi mọi người giám sát việc sửa chửa tới cùng, bạn sẽ lên tiếng, hoặc ký tên vào các kiến nghị yên cầu chính quyền tạo dựng từng việc nhỏ để xã hội an toàn. Đặc biệt, bạn chính là người làm gương, hướng dẫn tốt nhất cho con cháu bạn, để 15-20 năm sau, hy vọng có một thế hệ tốt hơn. Một thế hệ tốt, mới có thể sinh ra lãnh đạo tốt.

Chúng ta, không thể cứ mãi lo đi làm chuồng cho nhà mình mỗi khi xảy ra một vụ việc đau lòng.

Ừ thì, bạn sẽ nói là khó lắm, dĩ nhiên là khó nên mới cần mỗi người hành động tích cực. “Thà thắp một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”, còn hơn ngồi chịu trận chờ tới lượt mình.

11/08/2019
Nguyễn Mỹ Khanh

Nguyen My Khanh

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s