Hôm nay là ngày Giỗ lần thứ 20 của Ba tôi. by Nguyễn Mỹ Khanh

20 năm rồi tôi mới có thể viết thêm được một chút về Ba mình.
20 năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in tuần lễ cuối cùng của Ba tôi.
Vào năm 1999, ba tôi mới 59 tuổi, dù di truyền có bệnh huyết áp cao nhưng do uống thuốc và kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ, nên ông rất khoẻ mạnh, yêu đời, và tự hào về con cái.

Như thường lệ, cứ chủ nhật, cả gia đình tôi tề tựu đông đủ, nấu nướng, ăn uống, cười nói, trêu chọc nhau rất vui, khoảng hơn 3 giờ chiều, ba nói với tôi là: cả tuần nay, người ba kỳ kỳ, nó như bị lên máu, rần rần khó chịu, cái đầu phừng phừng, nhưng đi bác sĩ gần nhà, đo khám các kiểu không tìm ra bệnh gì. Rồi đề nghị tôi dắt Ba tới bệnh viện khám kỹ hơn.

Cả nhà đều nghĩ Ba thích “nhõng nhẽo” với tôi, Mẹ tôi ôn tồn nói: MK đang mang thai tháng thứ 8 rồi, bụng lớn quá, đi lại khó khăn, để mấy đứa nhỏ dắt ông đi bệnh viện khám. Ba nhìn tôi, rồi cũng gật đầu đồng tình, nhưng nhìn nét mặt ông, tôi biết là không yên tâm và không happy lắm. Tôi cũng lười, nên làm ngơ, bảo em trai sáng mai chở Ba đi.

Nhưng rồi, chừng vài chục phút sau, không rõ linh tính gì đó, tự dưng tôi chột dạ, đâm sợ mình sẽ hối hận nếu không đưa Ba đi, tôi nói: Sáng mai con sẽ dẫn Ba đi khám nha, mình đi thật sớm, 6h nha Ba. Mặt Ba tôi bừng sáng, rạng rỡ, vui hẳn, đó là nét mặt tươi vui cuối cùng mà tôi được nhìn thấy.

Nhưng rồi tôi không kịp đưa Ba đi khám, ngay đêm đó, khoảng 2h00, em trai và Mẹ tôi đã đưa Ba vào bệnh viện cấp cứu, Mẹ thương tôi bụng mang dạ chửa nên không cho hay, tới mờ sáng, tôi gọi điện thoại về đánh thức Ba chuẩn bị đi thì mới hay tin dữ.

Tôi chạy ào vào bệnh viện, thấy Ba nằm phòng cấp cứu đặc biệt, tay chân bị cột chặt vào các góc giường thật thê thảm.

Bác sĩ dè dặt trước cái bụng quá bự của tôi, sau khi thận trọng hỏi kỹ chừng nào sanh, có bị tim mạch gì không, ba mẹ tôi có mấy con, đã trưởng thành hết chưa, khiến tôi đoán có chuyện chẳng lành, việc kiềm chế cảm xúc lúc này khiến tôi như không còn thở nổi nữa.

Rồi Bác sĩ cũng nhẹ nhàng cho biết, Ba tôi bị tai biến, nhẹ rồi nặng dần, tối qua đứt/nghẽn/tắt mạch máu chủ gì đó ở não, khiến máu không thể nuôi cơ thể nữa, nên sẽ bị yếu dần, trong khoảng 3 ngày sẽ ra đi, nhưng do cơ thể còn quá khoẻ mạnh, sẽ chống lại các triệu chứng. Cuộc “vật lộn” sống- chết trong cơ thể và với các loại thuốc khiến ba bị nóng bức, khó chịu, nên tháo tung hết dây nhợ ra khỏi người, ông không chịu nằm, mà muốn đi lại, hoặc nằm áp lưng dưới sàn gạch lạnh… nên cực chẳng đã phải trói lại.

Tôi nói chuyện, Ba tỉnh táo, hiểu biết, giọng nói rõ ràng mạch lạc, tròng mắt tinh anh, còn nhớ chiều nay có trận đá banh giữa Thái Lan và Việt Nam và dặn “nhớ kiếm tivi cho ba coi”.

Làm sao tin nổi một người như vậy mà 3 ngày nữa sẽ ra đi hả trời, tôi nghi ngờ, có sự nhầm lẫn nào chăng. Bác sĩ mở phim chụp giải thích khá kỹ, giờ tôi quên sạch, chỉ nhớ sẽ có sự chuyển biến, nhanh chậm tuỳ cơ địa, rồi cho tôi coi nhịp tim của Ba để thấy nó đập nhanh gần gấp đôi người bình thường.

“Còn nước còn tát”, tát tới cùng, với sự đồng tình và cảm thông của bác sĩ điều trị và khoa, tôi khẩn trương tìm kiếm trợ giúp từ các bạn phóng viên phụ trách y tế, các cuộc hội chẩn khẩn cấp, đặc biệt với sự tham gia của những bác sĩ đầu ngành trong hai ngày tiếp theo được mở ra, nhưng vẫn cho cùng kết quả là không thể cứu được Ba tôi.

Bác sĩ nói Ba thèm gì cứ cho ăn, Ba thích gì cứ chiều.
Ai cũng cố nén và giấu nên Ba không biết, tưởng mình khoẻ nên hồn nhiên vô tư kể thèm đủ thứ, khổ qua hầm, bánh trung thu, tôm, cua, cà phê, rồi đòi đi câu cá. Ba gọi anh Phúc con bác tôi lên để hai chú cháu tâm sự. Con trai, con rể thay nhau xoa bóp tay chân cho đỡ bứt rứt, ông rất thích, nhưng khoái nhất vẫn là anh Phúc, cứ khen anh Phúc mà không biết anh vừa bóp lưng vừa lặng lẽ khóc. Em tôi đi mua cái nệm nước lót cho Ba nằm mát lưng, thích quá, Ba nói mai mốt đem về nhà ngủ mát, nó chịu không nổi, chạy ra ngoài ngồi khóc tồ tồ.

Ngày thứ tư, Ba nói thấy khoẻ rồi, xin bác sĩ cho Ba về đi, ở đây sợ quá. Mà sợ thật, ngày nào cũng có vài người từ phòng này ra đi, rồi người mới lại vô. Ở đây 4 ngày, tôi ngộ ra một điều, cuộc đời, tranh giành làm chi, vô nghĩa hết.

Sáng ngày thứ 5, nhìn Ba cũng như ngày thứ nhất, tôi lại hỏi Bác sĩ có khi nào nhầm không, bác sĩ nhìn cười độ lượng, bảo không đâu, cơ địa bác quá khoẻ nên em thấy vậy, chứ khi sụp thì nhanh lắm… Trưa đó, môi Ba khô, vài tiếng sau, mắt bắt đầu lờ đờ, lưỡi tụt dần vào trong, khó nói, rồi nói nghe không rõ nữa.

Chiều, Ba ráng nói, tôi áp sát tai vào mới nghe được, tiếng được tiếng mất ráp lại rồi cũng hiểu là Ba nhắc bộ áo liền quần tuần trước ba mua tặng em bé còn trong bụng tôi, “nhớ cho nó biết là quà của ông ngoại”. Có lẽ chiều hôm đó Ba bắt đầu hiểu ra, bắt đầu không còn hy vọng nữa, không còn ngồi dậy nữa, không còn “quậy” hay đòi gì nữa. Tôi hỏi bác sĩ liệu Ba tôi có bị đau đớn bên trong không, câu trả lời không, chỉ là cơ thể không được nuôi nên yếu dần rồi dừng lại thôi, không có bất cứ sự đau đớn nào.

Lúc này Mẹ và các em tôi mới nhớ ra, suốt tuần trước, Ba tôi làm rất nhiều điều bất thường, như đi thăm họ hàng và bạn bè, rồi soạn đồ cũ, sắp xếp thứ này thứ nọ và mua cả vé số. Tôi chợt nhớ, suýt nữa thì chủ nhật vừa rồi tôi không về, bụng to, tôi thấy mệt quá, định nằm nhà, khất với cha mẹ để tuần sau con về, nhưng ba tôi điện thoại nằng nặc bảo về đi, có món này ngon lắm, về ăn đi con.

Ngày thứ sáu bác sĩ đưa Ba tôi sang phòng khác, căn phòng sát vách tường với nhà tang lễ của bệnh viện, tiếng tụng kinh, tiếng kèn đám ma vọng sang nghe não nề. An ủi là dù sao thì những ngày cuối cùng của cuộc đời, Ba tôi được nghe rất nhiều kinh Phật từ A Di Đà, Địa Tạng, Quan Âm, Kim Cang từ nhà Tang Lễ.

Chúng tôi được bệnh viện hướng dẫn làm sẵn thủ tục, khi nào bác sĩ thấy tín hiệu, sẽ cho về, sẽ canh sao đó để khi đưa Ba về nhà, đủ để mất ở nhà, chứ không nằm nhà lâu vì cần giữ an toàn phòng dịch.

12h trưa ngày thứ 7, các chỉ số nội tạng của Ba tôi giảm rất ít, tim, gan, phổi chưa có dấu hiệu xấu, mạch đập, tròng mắt, môi, lưỡi thấy rõ yếu nhiều.

Tôi ngồi cạnh bên, cầm tay Ba tôi, nói gì không nhớ, cũng không biết Ba có nghe tiếng tôi không, vì kèn trống đám ma át mất, nhưng hai dòng nước mắt chảy dài từ khoé mắt Ba tôi.
Tâm trạng tôi trở nên trống rỗng, kỳ lạ, tôi thấy mình như đang xoay tròn, bị xoáy sâu ở tâm của vòng xoay ly tâm, rồi đứng giữa lằn ranh màu trắng và màu đen của Thái cực đồ, tôi thấy sự chuyển tiếp của thời khắc ngày và đêm, sự luân hổi hoán đổi của kiếp người, tôi đang sắp đưa một sinh linh chào đời cùng lúc với sắp tiễn một linh hồn ra đi.

Vòng xoáy này, lằn ranh Thái cực đồ này, đã hiện ra mồn một trong tâm trí tôi một lần rồi, là lúc tôi bắt đầu mang thai, trong sự thiếp đi giữa trưa. Tỉnh dậy, tôi bàng hoàng tự hỏi, trong sự tuần hoàn đó, khi có một người sinh ra, sẽ có một người mất đi, vậy là ai sẽ ra đi, người trong nhà mình chăng? Và tôi hoảng sợ quyết cắt ngang suy nghĩ của mình, nhưng nó vẫn ập tới, nó hiện diện trong đầu tôi về sự ra đi, nhưng tôi hoàn toàn không bao giờ dám nghĩ tới là Ba tôi. Có lẽ vì ám ảnh điều này mà tôi không đủ can đảm mang thai nữa chăng?

5 giờ chiều hôm đó, Ba tôi yếu hơn khá nhanh, Bác sĩ nói chắc cuối ngày thứ 8 mới có thể ra đi, vì cơ địa ông quá khoẻ.

Một người phụ nữ nuôi bệnh cùng phòng hỏi tôi có đạo Phật không, tôi chợt nhớ ra, và chạy nhanh về chùa. Sư trụ trì giúp tôi một lễ cúng và niệm kinh cầu nguyện cho Ba tôi. Suốt 18 năm tuổi thơ, mỗi tối tôi đều lên chùa đọc kinh, rồi đi theo Sư phụ tụng niệm không biết bao nhiêu đám tang Phật tử của Chùa, tụng cả kinh Kim Cang cho người sắp rời Cõi tạm, vậy mà cả tuần lễ trong bệnh viện, cả 2 ngày ngồi nghe không biết bao nhiêu loại kinh từ nhà tang lễ vọng sang, tôi không nhớ ra điều này.

Buổi cúng và niệm kinh vừa xong, thì cũng là lúc tôi nhận được điện thoại của Mẹ từ bệnh viện báo Ba tôi có dấu hiệu xấu, Bác sĩ ký giấy cho về nhà.

Suốt những ngày đám tang, thấy cái bụng lặc lè của tôi, ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thương và lo lắng khi thấy tôi không khóc mà lại rất tỉnh táo, thậm chí, các bạn diễn viên và lớp đạo diễn tới viếng, tôi còn bật cười. Anh Khánh Hoàng hoảng quá vừa nắm mấy ngón chân tôi giật giật vừa nói như năn nỉ: khóc đi Khanh, khóc cho anh yên tâm, chứ mày cười vầy, anh sợ quá. Tôi không nhớ mình đã cười ra sao, nhưng sau này các bạn trong lớp nói “mày cười như mất trí”.

Rồi cũng tới ngày đưa Ba tôi đi ra khu mộ của gia đình nằm với ông bà tổ tiên, tôi không được đi, nên chỉ đưa Ba một đoạn đường, gần tới cua quẹo, tôi bị ai đó hai bên vịn lại, không thể đi, chỉ đứng nhìn theo… Khi đoàn người khuất sau cua, phía trước trở nên trống rỗng, nhạt nhoè, cảm giác mất mát thật sự mới ập vào, tôi bật oà khóc nức nở, đứng ngay giữa đường mà khóc, không còn biết ý tứ giữ gìn kềm chế gì nữa, bao nhiêu dồn nén như bung trào ra, giờ tôi mới hiểu câu khóc như cha chết là khóc như thế nào.

Nhưng, đó chưa phải là ngày mà nỗi buồn mất cha cứa sâu nhất vào tâm trí, nỗi buồn mất mát cứ thấm từ từ, sự trống rỗng tới ngay trong một tuần sau đó với sự vắng bóng vào ra, rồi một tháng, một năm, ba năm, mười năm… tuỳ lúc mà kỷ niệm và nổi nhớ ùa về, không ồn ào mà lắng xuống, nghèn nghẹn, rưng rưng, mấy chị em cứ mỗi khi ăn món gì, nhớ chuyện gì nhắc tới Ba lại ước ao, phải chi Ba còn sống…

20 năm mà như mới hôm qua…

Nguyễn Mỹ Khanh
August 6 2019

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s