Chương 1: Phở Okie
Thời tiết Denver vào hạ tuần tháng hai, lạnh buốt đôi tay, ngoài trời gió thổi từng chập, từng cơn gió xoáy lốc bụi đường, quấn mạnh những chiếc lá rơi rớt còn xót lại lên không, lá và hoa tuyết hòa lẫn vào nhau, thổi tung tóe khắp mặt đường.
Tôi ngồi bên trong phòng đợi phi trường, thỉnh thoảng lại xoa tay thật mạnh, và bỏ đôi tay vào chiếc áo choàng , khi một vài người khách mở cửa phòng đợi, và chạy thật nhanh ra xe đón của người thân, làm những khe gió len lõi lạnh giá như cắt xén vào khuôn mặt tôi.
Vừa nhìn đồng hồ, vừa tự nhủ:
” Gần 1 tiếng rồi, mà chưa thấy Minh đến.”
Tôi sốt ruột gọi điện thoại một lần nữa, vì không biết Minh khi nào mới đến:
“Minh, tới chưa mày ? sao lâu quá vậy ?”
Bên đâu dây, tiếng Minh điềm đạm :
“Tao bị kẹt xe trên freeway, nhưng bây giờ thì sắp tới rồi, 10 phút nữa.”
Minh là một thằng bạn học chung với tôi,thuở còn ở Việt Nam , cùng chung số phận không may mắn thi đại học rớt lần thứ nhất với tôi , khi chúng tôi cùng tốt nghiệp phổ thông trung học.
Kỳ thi lại lần 2 vào Đai Học, chúng tôi dù đã cố gắng học ngày học đêm, học ngày không thấy mặt trời, học đêm chong đèn dầu nổ con mắt, mà vẫn lọt xổ, ngay cả khi chúng tôi đủ điểm để xuống học trường trung cấp, mà cũng bị chính quyền đánh trượt, lý do đơn giản vì lý lịch gia đình chúng tôi thuộc loại gian ác, sĩ quan trong quân đội Miền Nam. Chán nản, Minh tìm đường vượt biên và định cư tại Denver vùng cao, lạnh tê tái con tim, đồi núi cao chập chùng.
Vài năm sau, tôi cũng tìm đường tìm tự do và định cư tại Las Vegas, thung lũng sa mạc tội lỗi, nắng nhiều hơn mưa, nơi mà bóng tối là nguồn sống cho cư dân tại thành phố này.
Xe Minh đến phi trường , đổ thật nhanh, tiếng đạp thắng xe gấp nghe như 2 miếng kim loại chạm nhau nảy lửa. Tôi vội chạy ra, leo lên xe, và liệng vội túi xách nhỏ, chỉ có vài bộ quần áo , vài đồ dùng cá nhân, và vội nhảy lên ghế trước.
Minh lái vội, chạy ra khỏi phi trường, lái dọc trên những con đường, 2 bên tuyết phủ trắng xóa, phủ ngập những hàng cây và các ngôi nhà thưa thớt , nhìn xa như những ruộng muối lởm chởm.
Minh vừa lái vừa nói vội:
“Tao drop mày xuống một tiệm phở, ngồi đó khoãng 1 tiếng, tao có chuyện gấp, phải dẩn khách đi mua nhà, rồi tao trở lại đón mày.”
Tôi vừa đói, vừa lạnh vừa run, hình dung tới một tô phở nóng, trong thời tiết giá băng như thế này, thật còn sướng hơn tiên:
“Okie ! Mày cứ đi đi, 2 tiếng cũng được, tao vừa ăn phở, vừa ngắm tuyết rơi.”
Minh bổng bật cười:
“Tiệm phở này có tên là Okie, Phở Okie.”
Tôi bật cười:
” Okie thiệt hay dở đó mày ?”
Minh láu lĩnh trả lời:
“Mày ăn thì mày biết, mỗi người mỗi vị, tao thấy thì cũng Okie.”
…Tiệm phở Okie là một tiệm khang trang lịch lãm, rất sạch sẽ, trước cửa ra vào, có vài chậu ớt hiểm được tỉa cắt rất cẩn thận. Bên trong là 2 hồ cá, nước trong vắt, những con cá vàng đỏ lội loanh quanh, sủi bọt lăng tăng, trông thật là tao nhã thơ mộng. Trên tường trang trí những bức tranh cổ truyền Việt Nam, vừa sang trọng vừa không thiếu tình tự dân tộc.
Tôi chọn một góc nhỏ gần cạnh cửa sổ, để tiện nhìn ra đường ngắm tuyết rơi, và chuẩn bị order một tô phở thật Okie, thật ngon và nóng, và từ từ tận hương vị ngọt đậm đà, mùi ớt ngò , trong một buổi sáng giá rét.
Dường như trời còn sớm, nên trong quán chỉ có một mình tôi là khách, một em trai còn rất trẻ đem menu đến, đặt nhẹ xuống bàn và hỏi:
“Dạ thưa anh uống gì ?”
Cầm vội bảng thực đơn, tôi vội nói:
“Em, cho anh xin một bình trà nóng.”
Em trai bồi bàn hỏi tiếp:
” Anh muốn order bây giờ luôn không ?”
Tôi mỉm cười hóm hỉnh:
” Ở đây món nào là Okie nhất em ?”
Em trai bật cười:
“Món nào cũng Okie hết anh, nhưng em đề nghị anh nên thử tô phở đặc biệt..Em bảo đảm rất Okie..”
“Okie em, vậy theo ý em nhé, nhớ đem bình trà nóng ra trước nhe.”
Xong tôi gửi trả lại em trai, thực đơn của tiệm phở, thong thả cởi chiếc áo khoác và móc đằng sau ghế.
Ngoài đường tuyết vẫn rơi, gió hình như thổi càng mạnh, vài người khách bộ hành áo quần kín mít vội vả, bước thật nhanh lên xe và rồ máy phóng xe đi.
Tiếng nhạc nho nhỏ trong quán, một giọng nam ca sĩ trầm ấm, tôi đoán ngay là giọng của Tô Chấn Phong:
“ Đừng buồn nhé em hỡi, cuộc tình nào không phai
Một lần đã tan vỡ, để lại từng vết thương ..
Ôi! sao thiết tha.
Từng chiều xuống anh vẫn ngóng chờ
Tình yêu sao đã phôi pha.
Phút cuối tiễn đưa cánh sao lưa thưa.
…………..
Em trai bồi bàn đã đem tô phở Okie đặc biệt, nóng hổi thơm phức , đặt cạnh bình trà đã cạn gần phân nữa…
Bổng có tiếng một phụ nữ vang lên :
” Con nhớ pha thêm cho chú thêm trà nóng nghe, mẹ vừa nấu xong.”
Cậu bé dạ thật to và chuẩn bị chạy xuống bếp đem lên bình trà mới pha, nhưng tiếng người phụ nữ vang lên rất gần:
“Thôi để mẹ đem lên được rồi, con xuống bếp lo soạn sẳn 2 phần ăn to go, cho khách mới gọi qua điện thoại tới order..”
Người phụ nữ bước vội tới bàn ăn, và nhỏ nhẹ:
“anh cho em thay bình trà “
Tôi giật mình, tê điếng cả người, giọng nói thật là quen thuộc nhẹ nhàng và mềm mại. Tôi ngước mặt, sững sờ, nhìn lên lắp bắp:
” Quyên, Hạnh Quyên đó hả?..”
Người phụ nữ có mái tóc dài thon thả, khuôn mặt trái xoan, nước da bánh mật, đôi mắt bồ câu ngày nào, tròn xoe ấp úng:
” Bảo, Bảo đó à..”
Nàng ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện, bất động, cặp mắt bồ câu đỏ hoe, chúng tôi nhìn nhau không nói một lời nào..Như 2 linh hồn tượng đá trước một bài hát mới của Tô Chấn Phong vang lên từ CD của quán.”Ngày nào tình thơ mộng bên nhau..tay trong tay nhau hẹn ngày mai vẫn giữ mãi ước mơ đầu..”
Chương 2: Một Thời Để Yêu
…..Ngày đó lúc còn ở Sài Gòn, sau những giờ học thi đầu tắt mặt tối, Hòa là một trong những bạn thân tôi, thường rủ tôi đi xem phim ở rạp Lê Lợi, đường Lê Thánh Tôn.
Sau khi xem một bộ phim tình cảm ướt át của Liên Xô, Hoà vào chỗ gửi xe để lấy chiếc Honda 67, dù rằng sau 1975, nhưng nhà Hòa cũng còn khá giả, vì mẹ Hòa có người chị tập kết, nên nhà cửa của gia đình nó vẫn còn nguyên vẹn, không mất sạch như gia đình tôi.
Vào giữa thập niên 80 mà có chiếc Xế Honda 67 là xịn lắm rồi, Hòa vừa dắt xe xuống lề đường, chuẩn bị đạp máy và sang số, thì nó bổng nói nhỏ với tôi:
“Bảo, có 2 con nhỏ cũng mới coi phim xong, tướng hết xẩy, mà mặt mày cũng hết xẩy..”
Tôi mỉm cười, vì biết cái tật cua gái tào lao trọn đời không bỏ của nó:
“Thôi mày, con nào đối với mày cũng đẹp..lần nào đi coi phim với mày, tao cũng thấy mày chọc, và cua hết cô này tới cô kia…”
Hòa cười hằng hặc:
” Lần này tao cua thiệt..con nhỏ da trắng trắng nhìn hết xảy con bà bảy..”
Thế là Hòa lái xe honda 67 kè kè 2 cô gái lái xe đạp vừa chọc , vừa hỏi tên…2 cô gái dường như có vẻ bực mình, không đạp xe nữa mà xuống xe, dắt xe đi dọc lòng đường. Nhưng Hòa cũng lì không kém, nó cũng tắt máy xe honda 67, dắt bộ đi theo vừa tủm tỉn cười.
Đi khoãng một đoạn đường khá xa, dường như chịu hết nổi sự” chai mặt” của thằng bạn trời đánh của tôi, cô gái có nước da trắng trẻo trông có vẻ đanh đá nói bâng quơ:
” Con trai đâu mà lì lợm quá…”
Hòa cười:
” Đẹp trai không bằng chai mặt mà em..”
Tôi đang lẽo đẽo theo sau, ngại ngùng nói Hoà:
” Thôi đi mày, đủ rồi..lái xe về đi…”
Hòa vẫn tỉnh bơ:
” 2 chị em đi coi phim hả, trời nắng như vậy, để anh bao ăn chè hay nước mía nhe..”
Cô chị nước da bánh mật, mái tóc dài ngang vai, nảy giờ vẩn đi thẳng, không nói câu nào, bổng quay lại nói:
” Thôi kệ Trang, mình cứ đi vòng vòng, coi 2 anh này có chịu nổi không.”
Đi chung với Hoà cả một đoạn đường dài, đây là lần đầu tiên cô chị quay mặt lại. Một khuôn mặt trái xoan thật tuyệt vời, với hàm răng thật đều đạn, lại có một cái răng khểnh thật dễ thương, dưới mắt tôi, thì cô chị quả là đẹp hơn cô em nhiều, một trời một vực.
Đó là đoạn đường dài nhất,mà tôi đi bộ, lúc còn ở Sài Gòn, đi bộ từ rạp Lê Lợi đường Lê Thánh Tôn về đến Đầu Cầu Trương Minh Giản quận 3, nhà của 2 chị em.
Chuyện đời thật trớ trêu, Hòa đã mắc công theo đuổi, trò chuyện lái xe hoặc dắt xe đi theo 2 chị em tới tận nhà, nhưng kết cục tôi lại là người được Mẹ của Quyên mời vào nhà, và dùng cơm tối, và trò truyện thân mật với tôi.
Còn Hòa thì bị bà mẹ cấm cửa, cấm Hòa bén mãng đến cổng nhà Trang và Quyên,chuyện tình của tôi và Quyên nảy nở từ đó.
Ba Hạnh Quyên cũng là sĩ quan Miền Nam và gia đình nàng chuẩn bị đi dạng H.O, chúng tôi thề non hẹn biển và trao đổi số nhà, số điện thoại của người thân bên Mỹ.
Tôi và Quyên thường sóng bước đi bộ lang thang dọc bến Bạch Đằng, Quyên với mái tóc dài chấm vai, xỏa kín tấm lưng ong,bờ vai tròn, và khuôn mặt trái xoan tuyệt đẹp, phất phơ nhẹ nhàng cuốn theo chiều gió, đã khiến nhiều chàng trai nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ chen lẫn ghen tị.
Mối tình của tôi và Quyên trong trắng và tuyệt đẹp như pha lê, có lần tôi và nàng bước ngang xóm nhà tôi ở, tôi nghe mấy thắng bạn cùng xóm trầm trồ:
“Thằng Bảo kiếm đâu con đào đẹp như lai..”
Chương 3: Nước Mắt Mùa Đông
Rồi Tôi và Quyên cũng lần lượt đuợc định cư ở Mỹ, Nàng ở Santa Clara, còn tôi ở Las Vegas. Hè nào tôi cũng mua vé lên thăm nàng và gia đình, Mẹ Quyên và Trang, cô em gái rất quý tôi, bao giờ cũng dành những tình cảm nồng hậu nhất, và luôn coi tôi như người trong gia đình.
Thời gian thấm thoát trôi qua, lúc này khoãng 1994, khi thời đại Silicon Valley bùng nổ, thiên hạ đổ xô về xin việc hoặc mở hảng ở vùng này.
Không biết tại sao, Trang em nàng, cứ hối thúc hỏi tôi:
” Sao anh Bảo chưa cưới chị Quyên, còn chờ gì nữa.”
Tôi thường mỉm cười:
” Bộ có ai theo chị Quyên hả, sao em hối anh hoài vậy ?”
Trang nghiêm trọng:
” Đúng rồi anh, có một anh kỷ sư cứ đeo theo chi Quyên, và đang hỏi Mẹ em để cưới chị Quyên..”
Rồi Trang tiếp:
” Em ghét ơi là ghét anh kỷ sư đó, mỗi lần he mò tới kiếm mẹ em..để trò truyện với chị Quyên, là em tìm cớ nói chị Quyên không có ở nhà…”
Tôi lặng người, im lặng thật lâu.
Trang thấy vậy bồi thêm:
” Anh Bảo mà không lo cưới chị Quyên nhanh, là Mẹ em gả chị Quyên cho anh Kỷ Sư đó..”
Tối hôm đó tôi và Quyên đi bộ vòng một bờ hồ công viên gần nhà nàng, và chúng tôi ngồi tựa đầu nhau trên một ghế đá cũ kỹ, cạnh một cây phượng, tay trong tay.
Hạnh Quyên đã khóc thật nhiều, nước mắt nàng ướt đẫm bờ vai tôi, đêm như dài vô tận, không gian thật tĩnh mịch và im lặng..thỉnh thoảng Quyên lại bật lên tiếng khóc nức nỡ, nước mắt đẩm ướt khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài tuyệt đẹp, đôi mắt bồ câu đen láy của Quyên.
Tôi im lặng, nước mắt tôi cũng chạm khóe mắt, nhưng đôi mắt tôi vẫn khô ráo, tôi biết rằng tôi sẽ không mang hạnh phúc lại cho nàng, tôi vẫn còn đi học, vẫn còn đi làm bồi bàn, làm sao mang hạnh phúc cho nàng, bằng một anh kỷ sư.
Tôi im lặng, 2 tay chúng tôi nắm chặt, bổng Quyên nghẹn ngào:
” Bảo hát cho Quyên bài Nuối Tiếc đi..”
Mắt tôi nhạt nhòa, miệng tôi cứ lẩm bẩm:
” Mình xa nhau mà lòng vẫn nhớ
Ngày xa xưa, tình mình như mơ
Chuyện yêu đương hẹn hò hôm nao
Mà giờ đây cuộc tình đã lỡ
Mình xa nhau mà lòng cứ ngỡ
Chuyện chia tay tựa một cơn mơ
Lòng xôn xao bàng hoàng nuối tiếc
Cuộc tình tan, đời mình như thơ ”
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Quyên. Một năm sau tôi nhận đuợc thiệp hồng, chỉ với vài dòng chữ ngắn gọn của Quyên:
“Ngày mai em lên xe hoa, nhưng em sẽ không bao giờ quên anh” Hạnh Quyên.
….Tôi chợt bừng tỉnh, vì tiếng Minh kêu ngoài cửa,
“Ăn xong chưa Bảo, sao mày ngồi thẩn thờ vậy?”
Tôi vội nắm chặt tay Quyên, cũng bàn tay mềm dịu ấy 24 năm về trước, tôi bóp chặt và xiết thật lâu, mắt tôi nhòa đi, tôi chạy vụt ra ngoài cửa, như chạy trốn một cuộc tình đẹp như thơ, mà tôi đã lỡ làng đánh mất vội vàng, dẫu biết rằng đằng sau có một đôi mắt bồ câu nhạt nhòa nhìn theo bất động, lạc loài và vô vọng.
Ngoài trời, tuyết vẫn rơi ào ạt, gió lạnh như cắt vào da thịt xương tủy, tôi vẫn đi băng băng về phía trước, nhưng không biết mình đi đâu, tiếng Minh ngơ ngác gọi giựt từ sau lưng:
“Bảo, đi đâu vậy mày…”
Tôi vẫn lặng lẽ đi, đi thật nhanh vô hướng vô định trong sương, trong tuyết, trong gió bão mịt mù.
Có lẽ đây cũng là lần đầu và lần cuối, tôi hiểu thế nào là nước mắt mùa đông.
Las Vegas – 28 tháng 2 năm 2018
Bảo Phán (Alain Bảo)