GÁI GỌI – BY HUYỀN TÔN NỮ BẢO BÌNH – Biên Tập và Giọng Đọc: Bảo Phán (Alain Bảo )

Đường và Hoàng đậu xe trước một biệt thự khang trang tọa lạc trong một khu nhà biệt lập yên tĩnh. Hoàng nhấn chuông. Cánh cửa hé mở. Một người đàn ông cỡ chừng 50 tuổi miệng tươi cười vừa bắt tay hai người khách vừa mời vào nhà.

Căn nhà bày biện gọn gàng và trang nhã. Hoàng như rất quen thuộc, tiến thẳng vào phòng ăn kéo ghế ngồi. Đường đứng xớ rớ gượng gạo. Hoàng cười:

– Ngồi đi mậy, tự nhiên thôi.

Người đàn ông lúc nảy, tên là Đôn, từ trong bếp mang ra ba chai bia lạnh, vồn vả:

– Mời hai anh dùng. Em nó đến ngay.

Hoàng và Đôn tán dóc dăm ba câu. Đường im lặng dõi mắt ra vườn sau. Khu vườn khá rộng, bãi cỏ xanh mướt mịn màng. Một hàng trúc lá mượt mà thẳng tắp như một dãy hàng rào cuốn hút Đường về với dĩ vãng…

. . . . .

Cuộc đời Đường khổ nhiều hơn sướng, buồn nhiều hơn vui. Cơ cực hay huy hoàng Đường đều đã nếm qua. Trước năm 1975, Đường là phóng viên cho một số báo có tiếng của miền Nam Việt Nam. Rồi cuộc đổi đời tháng Tư năm 1975 làm xáo trộn cuộc sống an bình của mọi người dân miền Nam. Đường cũng giống như hàng triệu người miền Nam khác, đời sống trở nên sa sút. Vào tù ra khám cũng vì cái ngòi bút của Đường trước năm 75. Rồi thì phong trào vượt biên nổi lên rất mạnh và lan tràn khắp nước. Đường cũng đã năm lần bảy lượt tìm cách vượt biên, rồi thất bại, rồi lại vào tù, rồi được thả và rồi lại vượt biên… Cứ thế cho đến lần vượt biên thứ 11, sau những ngày con tàu chở Đường và 115 sinh mạng khác lênh đênh trên biển cả, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, mọi người như thân tàn ma dại, cuối cùng cũng đã cập được vào bến bờ tạm dung.

Năm 1982, Đường cũng được định cư tại Hoa Kỳ đúng thời gian vừa tròn 34 tuổi. Cuộc sống nơi xứ lạ không đơn giản đối với những người chân ướt chân ráo như Đường. Vì vậy, Đường đã chọn con đường làm việc chứ không học hành gì thêm. Đường làm việc quần quật, những công việc thượng vàng hạ cám, bất cứ việc gì cũng không từ nan. Từ việc bán xăng, rửa chén, chạy bàn, bỏ báo, cho đến việc trong các hãng xưởng… Đường đã từng làm cho một hãng thịt bò ở Amarillo, Texas. Đứng nhìn những con bò chảy ra nước mắt trước khi bị đưa vào “đoạn đầu đài”, Đường thắt ruột thắt gan. Vì nhìn những cảnh ấy chịu không được, Đường xin chuyển vào làm trong phòng lạnh đóng gói thịt bò, rồi cứ bị cảm lạnh liên miên. Lúc nào cũng phải làm hai việc song song với nhau, mỗi tuần bảy ngày, mỗi ngày hơn 14 tiếng đồng hồ… mới có dư chút đỉnh tiền gởi về Việt Nam giúp đỡ thân nhân.

Rồi cuộc sống lẻ loi nơi xứ người đẩy đưa Đường quen biết Mị, một phụ nữ chưa hề gặp mặt mà chỉ qua lời giới thiệu của một người quen. Lúc ấy Mị đang còn ở Việt Nam. Thư từ qua lại được ít lâu rồi Đường chạy chọt gởi về cho Mị một số tiền đủ để Mị tìm đường vượt biên và đến được Hồng Kông. Sau đó Đường khăn gói bay tuốt qua tận Hồng Kông làm thủ tục kết hôn để đưa Mị sang Mỹ. Những năm tháng đầu của cuộc sống lứa đôi, cặp uyên ương Đường và Mị cũng gắn bó hạnh phúc như bao đôi vợ chồng khác trên thế gian này. Họ có với nhau hai mặt con. Gia đình dìu dắt nhau lập nghiệp bên miền Đông một thời gian, rồi về California định cư luôn. Nhìn bề ngoài, ai cũng thấy đó là một gia đình hạnh phúc.

Mười mấy năm sau, đùng một cái Đường bị thương nặng trong lúc làm việc và trở thành phế nhân sau một thời gian dài chữa trị. Cột sống của Đường bị lún mất 85% chiều cao. Cũng từ đó, vật đổi sao dời. Mị bắt đầu tỏ thái độ, tiền bạc vật chất bắt đầu phân chia rõ rệt…

Ngày tháng lặng lẽ trôi, mái tóc của Đường đã muối nhiều hơn tiêu và thưa dần, thưa dần, rồi tình nghĩa vợ chồng cũng bắt chước những sợi tóc, từ từ đổi màu và bay đi, nhạt dần theo năm tháng…

Thỉnh thoảng Đường vẫn còn nghe văng vẳng trong đầu những câu mắng nhiếc của Mị vào những lúc Đường muốn níu kéo lại chút hạnh phúc của những ngày đầu: “… Trời ơi rõ khổ, ông đi tìm ở đâu để giải quyết thì cứ đi cho khuất, đừng làm phiền tôi nữa…” hoặc “Nè nè, muốn làm gì thì làm cho xong đi, khổ nỗi…“, rồi Mị tuột hết áo quần nằm ngay ra đó. Những lúc như vậy, Đường thấy ê chề trong lòng và nhủ thầm: “Sẽ không bao giờ có lần khác nữa…“.

Đã bao nhiêu năm nay rồi, như lời nhủ thầm của Đường, đã không bao giờ có lại “chuyện đó” với Mị lần nào nữa. Sự đòi hỏi của người đàn ông thì cứ âm ỉ trong tâm trí Đường. Khổ là lâu lâu mấy thằng bạn lại gởi những phim ảnh cấp 3 đến cho Đường xem. Trí tò mò bảo mở ra xem. Xem rồi lại than vắn thở dài. Mấy thằng bạn chỉ cách tự “giải quyết”, thế mà Đường có làm được trò trống gì đâu. Rồi Hoàng cứ dụ khị Đường đi ra ngoài “mua vui giải sầu”. Đường ái ngại từ chối nhiều lần. Hoàng khoe: “Mấy em Mễ hấp dẫn lắm mậy. Thử một lần cho biết. Đàn ông mà mậy. Hơn nữa bây giờ mậy và bả có còn gì đâu, lỗi phải với ai…“. Hoàng dụ năm lần bảy lượt rồi Đường cũng xiu lòng, chịu theo Hoàng đi thử “gái làng chơi”.

. . . . .

Cánh cửa chính xịch mở. Một người con gái gốc Á Đông, mặt mày thanh tú bước vào. Đôn nhanh nhẩu chạy ra đón:

– Hello Mona Lisa Hương Hương. Cưng khỏe không? Angela đâu?

Người con gái vừa bước vào vừa trả lời cộc lốc:

– Bệnh.

– Ồ thế à. Thôi vào chuẩn bị đi cưng.

Đôn nhỏ giọng bảo cô gái vào phòng rồi quay trở lại phòng ăn tươi cười nói với Đường và Hoàng:

– Angela, à cô gái gốc Mễ ấy, có việc không đến được. Cô bé vừa vào khá lắm. Ông anh thông cảm nhen.

Hoàng nháy mắt với Đường:

– Con bé này tao biết. Số một đó mậy.

Đường ngượng ngùng vì cứ đinh ninh hôm nay sẽ được một em Mễ chìu chuộng, dù sao khác dân tộc thì có vẻ đỡ ngượng ngập hơn, ăn bánh trả tiền, rồi xong. Chứ bây giờ cô bé này cũng là người Việt Nam, mà nhìn thì cỡ tuổi con gái Đường, nói sao đi nữa cũng phải e dè… Đường tính thối lui:

– Ê thôi Hoàng, về đi. Bữa khác trở lại.

– Mậy, bậy nè, em đã đến rồi chìu em tí đi. Công khó đến đây mà mậy.

Hoàng vừa nói vừa đẩy Đường vào trong. Đường vói tay cầm chai bia rồi bước đi theo cái đẩy thúc hối của Hoàng. Cánh cửa phòng đóng nhẹ. Hoàng trở ra phòng ăn tiếp tục câu chuyện với Đôn.

. . . . .

Căn phòng rộng trang trí rất lạ mắt. Chung quanh tường đều treo những tấm gương lớn có màn màu hồng để khách muốn nhìn mình trong gương ở bất kỳ góc độ nào cũng được. Nếu khách nào có vẻ bảo thủ thì có thể kéo màn lại che gương đi. Trên trần nhà có một tấm gương tròn không có màn. Một cái giường tròn lớn để ngay giữa phòng. Trong góc phòng có một cái tủ lạnh nhỏ. Kế bên tủ lạnh là một cái bàn phấn. Chung quanh tấm gương tròn lớn trên trần nhà là những bóng đèn nhỏ ánh sáng vừa đủ rất dễ chịu. Đường đang còn đứng tần ngần quan sát căn phòng thì Mona Lisa Hương Hương mở cửa phòng tắm bước ra, trên người quấn độc một cái khăn lông trắng dài tới gối.

– Hello cưng. Ngồi uống với em ly rượu nhé.

Cô gái mở tủ lạnh lấy chai rượu mạnh rót vào hai ly, rồi đưa cho Đường một ly.

Đường như một rô bốt, đưa tay cầm ly rượu, tay kia vẫn còn cầm chai bia, không nói được lời nào.

Cô gái nhoẻn miệng cười, đưa tay cầm chai bia của Đường bỏ vào sọt rác rồi đến ngồi bên mép giường bảo Đường:

– Đến ngồi đây với em đi cưng.

Đường lúng túng:

– Ơ… ờ… chú… chú…. ngồi ở ghế cũng được.

Đường định bụng uống hết ly rượu rồi ra về.

Mona Lisa Hương Hương bật cười lớn:

– Không “chú chú” gì cả cưng ơi. Công việc này là vậy, em quen miệng rồi. Hãy gọi em là “cưng” hoặc là Mona Lisa Hương Hương cũng được, nhưng nếu muốn gọi em bằng tên thì phải gọi cho đầy đủ đấy nhé.

Cô gái lặp lại tên mình:

– Mona Lisa Hương Hương, nhé!

Đường lặng thinh hớp thêm hai ngụm rượu. Men rượu lừng lên giúp Đường lấy lại chút bình tĩnh đưa mắt quan sát cô gái. Cô bé cỡ chừng 25 tuổi. Mái tóc cắt ngắn ôm sát đầu. Nét mặt đẹp. Thân hình đều đặn tự nhiên. Đường nghĩ thầm: “Trời đất, nó nhìn nhỏ hơn con gái mình nữa….“.

Mona Lisa Hương Hương bỗng cắt ngang dòng suy nghĩ của Đường:

– Thôi, đi tắm đi cưng.

Nàng bước tới cầm ly rượu của Đường uống cạn rồi đẩy Đường vào phòng tắm, nháy mắt:

– Lẹ lên nhé.

. . . . .

Đường bước ra từ phòng tắm. Đèn trong phòng đã tối hẳn chỉ còn chút ánh sáng mờ mờ. Tiếng nhạc hòa tấu văng vẳng xa xa từ trong những cái loa giấu đâu đấy trong tường. Mona Lisa Hương Hương đến kéo tay Đường. Đường đã mạnh dạn hơn chút, nghĩ thầm “Thôi kệ, tới đâu thì tới, chừ bước ra ngoài vừa quê vừa tiếc…“.

. . . . .

Mona Lisa Hương Hương đúng là “thạo nghề”. Nàng chủ động hết mọi chuyện. Đường chẳng có một chút cảm giác gì cả vì thấy cô gái còn quá trẻ, chuyện gì đưa đẩy mà nàng lại bước vào cái nghề ê chề này… Đường cứ suy nghĩ mông lung đủ thứ nên chẳng thể nào nhập cuộc, nằm trơ trẽn để mặc cô gái làm tất cả mọi động tác theo bài bản. Cô gái dường như kinh nghiệm có thừa, gặp những người khách như vậy cô ta vẫn có cách đối phó, biết làm thế nào để đạt đến kết quả cuối cùng, hoàn thành công việc của mình.

Đường thì ngoại lệ. Đến để mua vui nhưng chẳng thấy dễ chịu chút nào. Đường bất ngờ xoay người lật Mona Lisa Hương Hương nằm ngửa ra, hôn lên trán nàng một cái, rồi trở người nằm song song với cô gái, kéo tấm chăn mỏng đắp lên cho cả hai và nói:

– Nằm đây nói chuyện với anh.

Mona Lisa Hương Hương bất ngờ nhưng cũng ngoan ngoãn nghe theo, nằm im chờ đợi.

– Hãy kể cho anh nghe về cuộc đời của em.

Mona Lisa Hương Hương lặng im một lúc rồi nhỏ nhẹ:

– Lúc em mười một tuổi, cha mẹ chết cùng một ngày trong một tai nạn xe hơi…

Từ đó cô gái sống lây lất với những người bà con xa, hết người này đẩy cho người khác, rồi người khác đẩy qua người kia… Rồi cũng chẳng còn nhớ nàng bị ai đưa đẩy vào cái nghề này tự lúc nào nữa…

. . . . .

Ba năm sau.

Một hôm, Đường ghé vào một trường đại học cộng đồng ghi danh học thêm mấy lớp điện toán. Khi đang đi trong parking lot để tìm xe thì chạm mặt một thiếu nữ rất quen. Mái tóc ngắn ôm sát đầu. Nét mặt đẹp. Thân hình gọn gàng trong chiếc quần jean xanh và cái áo thun màu hồng nhạt. Chuyện của ba năm trước ở nhà Đôn chợt hiện về. Đường ngoảnh lại gọi lớn:

– Mona Lisa Hương Hương!

Cô gái khựng lại một vài giây rồi cũng quay nhìn người mới vừa gọi mình. Cô gái nhận ra ngay Đường, người đàn ông duy nhất đã làm cho nàng có cảm giác “thất bại” trong khoảng đời “buôn phấn bán hoa” của nàng.

– Em tên Khai Tâm. Nguyễn Thị Khai Tâm.

– À…

Cô gái tươi cười:

– Em đã bỏ nghề đó gần 3 năm rồi. Hiện tại em đang theo học ngành điện toán, năm sau em ra trường.

Hai người ghé vào căn tin của trường uống nước. Cô gái kể tiếp, giọng vui mừng hớn hở như vừa gặp lại một người thân đã xa cách rất lâu và dường như chưa bao giờ có cơ hội tâm sự với ai những điều giấu kín trong lòng như hôm nay.

– Sau lần đó, lần gặp anh ở nhà ông Đôn, vài tháng sau em được một người ẩn danh giúp đỡ về tiền bạc cũng như tinh thần. Người ấy khuyên em bỏ nghề đó và làm lại cuộc đời. Em may mắn quá. Được một ân nhân khai tâm cho em nên sau này em đổi tên thành Khai Tâm.

– Ồ, vậy Khai Tâm có biết người đó là ai và có thường xuyên liên lạc không?

– Liên lạc rất thường xuyên qua Email nhưng người ấy chưa bao giờ cho em gặp mặt. Nhờ những bức điện thư qua lại, ân nhân của em đã giúp đỡ em rất nhiều về mặt tinh thần, chưa kể đến vật chất, để hôm nay em mới có đủ nghị lực đứng lên bằng đôi chân của mình và làm lại cuộc đời bằng đôi tay của mình.

Đường im lặng lắng nghe. Thỉnh thoảng nở vài nụ cười hài lòng và hạnh phúc.

. . . . .

Về đến nhà, Đường mở máy điện toán lên tìm đọc lại một vài cái Email cũ trong Inbox rồi mĩm cười mãn nguyện.

HTNBB
17Mar015

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s