Tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng máy chạy xình xịch rầm rầm, tiếng nói chuyện xôn xao, tiếng gió phần phật tạt vào mặt mát lạnh… Chuyến tàu lửa tốc hành từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đang băng ngang qua vùng nào tôi không rõ… đã mười mấy năm rồi…. Bên ngoài từng đầm sen nở rộ, những ruộng mạ non xanh mướt trông thật đẹp mắt đang bị đoàn tàu bỏ lại sau lưng… Hình như cũng sắp đến sân ga Đà Nẵng vì tôi đã bắt đầu nghe vang vang một giọng nữ trên loa phóng thanh báo rằng tàu sắp đến ga cuối cùng và hành khách nên chuẩn bị hành lý để xuống tàu hoặc đón tuyến tàu khác để ra Huế. Hồi hộp quá! Thành phố thân yêu bây giờ ra sao? Bao nhiêu kỷ niệm đang ào ạt kéo về bỗng một tờ giấy từ đâu bay đến úp ngay lên mặt tôi, theo sau là tiếng một người đàn ông:
– Xin lỗi cô bé, tờ giấy của tôi…
Tôi cầm tờ giấy liếc nhìn trước khi trao trả. Đó là một bức họa bằng bút chì cảnh trời trăng mây nước, hình như ông ta vẽ một cảnh nào đó mà đoàn tàu vừa chạy ngang qua…
– Cám ơn, cô bé tên gì vậy?
– Dạ cháu tên Ruby.
– Tôi đoán cô bé ở nước ngoài về phải không? Tôi từ Cali về đây thăm gia đình.
Tôi nhanh nhẩu giải thích vì nghĩ rằng ông ta nhận ra mình là Việt kiều qua cái tên:
– Ơ… ơ, Ruby là tên Việt Nam, ý cháu là…. tên trên khai sanh, do mẹ đặt cho lúc ra đời ở Việt Nam… mà… chú đoán đúng! Ruby cũng ở Cali nè chú.
Ờ nhỉ, tại sao tôi lại có cái tên Ruby, nghe chẳng có gì là Việt Nam cả trong lúc tôi sanh trưởng và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng chứ bộ. Mười lăm tuổi mới rời quê hương. Nghe kể lại là cái tên này do mẹ đặt cho tôi, mẹ xem tôi như một viên đá quý của mẹ, mà sao mẹ không đặt tên tôi là Hồng Ngọc hay là Bảo Thạch, Cẩm Thạch gì gì đó. Tôi không có dịp hỏi mẹ vì mẹ đã qua đời lúc tôi chưa biết nói. Ba thì hành quân hết nơi này sang chốn khác và rồi mất tích luôn từ năm ’74.
Tôi nhìn lại bộ đồ mình đang mặc. Chỉ có cái tên có vẻ Việt kiều thôi chứ quần áo y chang người Sài Gòn nè. Cái áo sơ mi tay dài hồng nhạt và chiếc quần tây màu nâu cũ kỹ, bộ đồ này của cô em họ cho mượn. Nghe nói tháng 8 nóng lắm nên tôi mang về toàn quần short áo thun tay cánh. Thời đó là thập niên 90, người Việt Nam cũng còn hiền khô, ít có con gái ra đường mà bận short và áo cánh, hơn nữa người Sài Gòn sợ nắng, trùm kín mít như Ninja. Cô nàng dặn dò: “Đi xe lửa chị đừng mặc áo quần đem về từ bên Mỹ, họ biết ngay là Việt kiều, mình mua vé tàu theo giá của người thành phố, chứ giá Việt kiều mắc lắm chị ơi, tội gì!”. “Ừ”, tôi cũng nghĩ “Tội gì! Mà Việt kiều thì cũng một chỗ ngồi thôi tại sao vé lại mắc gấp đôi. Bà con mình còn khổ quá, tiết kiệm tiền để cho em út tụi nó xài còn hơn”. Cô nàng cũng rất chu đáo sắp xếp cho tôi vài bộ đồ trong một cái túi xách nhỏ, còn cái vali thì cô ta sẽ mang ra sau. “Thấy cái vali mà chỉ mặt bảo Việt kiều đâu được, em xìa “Chứng Minh Nhân Dân” ra liền, chị đừng lo!”.
Hồi đó từ Mỹ về chưa có những chuyến bay trực tiếp đến các thành phố khác, chỉ có chuyến về Sài Gòn hoặc xuống Hà Nội. Đáng lẽ thì tôi cũng tính đáp máy bay nội địa từ Sài Gòn ra Đà Nẵng cho nhanh, nhưng nghe nói đã có tàu lửa chạy tốc hành, rời sân ga ở Sài Gòn chiều nay thì qua sáng hôm sau là đến Đà Nẵng rồi chứ không như ngày xưa, tàu chạy rề rề, hai ba ngày mới tới nơi. Vả lại tôi muốn sẵn dịp ngồi xe lửa vừa ngắm cảnh vừa ôn lại một vài kỷ niệm lúc còn ở Việt Nam, nhất là một chuyện khó quên trong đời khi đi xe lửa từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Năm đó là lần đầu tiên ngoại dẫn tôi vào Sài Gòn nghỉ hè. Hai bà cháu dành dụm tiền để mua vé toa giường nằm, hy vọng tránh được cảnh chen lấn giành giựt cướp bóc ở trong những toa ghế ngồi. Tàu khởi hành chưa được bao lâu, lúc đó trời đã khuya, tôi lấy cuốn truyện ra, tôi còn nhớ rõ đó là cuốn tiểu thuyết võ thuật đường rừng Một Thời Ngang Dọc của nhà văn Hoàng Ly. Tôi mê loại truyện này lắm, mê hai nhân vật chính Hồng Lĩnh và Phượng Kiều. Tuy cuốn truyện đã cũ và rách nát, mất nhiều trang nhưng đọc vẫn khoái. Tôi nghĩ tôi sẽ đọc truyện suốt đêm không ngủ để coi chừng hành lý. Ôm cái túi xách trong tay và dán mắt vào cuốn truyện. Không ngờ tiếng máy xe lửa chạy xình xịch xình xịch đều đặn và toa xe lắc lư lên xuống như đang ngồi trên một cái võng, cùng với hơi gió đêm thổi vào mát rượi kéo hai mí mắt của tôi lại lúc nào không hay. Bỗng ầm một cái, tiếng la oai oái “Giựt đồ! Giựt đồ!”, rồi tiếng chân chạy rầm rầm từ bên mấy toa tàu kế vọng lại, mọi người nhốn nháo, tiếng chửi rũa vang lên: “Khốn nạn! Tụi nó giựt hết của tui rồi!”… “Gớm quá, vừa mới qua khỏi Quảng Ngãi thôi!”… “Trời ơi là trời!!!”… “Mạ cha ơi… hết trơn rồi!”…. Và thì ôi thôi, cái xách của hai bà cháu tôi cũng đã không cánh mà bay. Một vài người trong phòng còn ngái ngủ chưa biết xảy ra chuyện gì, một số người lục lại hành lý xem còn hay mất rồi bàn tán xôn xao. Bà ngoại tôi thẫn thờ. Tôi thì giận mình điếng người, ai biểu làm tài lanh mần chi không nghe lời ngoại nhét túi xách vào góc mà lại đòi ôm bên mình…
Giọng người đàn ông hồi nảy cắt ngang dòng suy tưởng của tôi:
– Nè nè Ruby, cô bé, cô về Đà Nẵng hay mô?
– Dạ Ruby về Đà Nẵng, còn chú?
– Chú cũng vậy, ngã ba Khải Định và Cao Thắng, gần trường kỹ thuật, cô bé còn nhớ không? Cô bé xa Đà Nẵng bao lâu rồi rứa?
– Ồ vậy là cũng gần nhà ngoại của Ruby, sát biển Thanh Bình. Ruby rời Đà Nẵng năm ’85 đó chú.
Lòng tôi thấy vui vui và có chút cảm giác an tâm khi nói chuyện với người đàn ông này. Nếu ông ta nói thật (tánh đa nghi của Tào Tháo lại nổi lên) thì ông cũng là Việt kiều từ Cali như tôi, mà quê cũng ở Đà Nẵng nữa. Người khác thì “tha hương ngộ cố tri”, còn tôi lúc này ngược lại, về quê cũ gặp người đồng hương và cũng là hàng xóm ở nơi xa xôi vạn dặm. Nghĩ cũng lý thú nên tôi tiếp tục câu chuyện với ông.
Mấy tiếng đồng hồ vừa qua tôi mãi mê ngắm phong cảnh. Sáng sớm tinh sương, hương đồng gió nội làm tâm tư tôi thật dễ chịu. Lúc này toa xe lửa giường nằm tiến bộ rõ rệt, bên dưới giường có ngăn để cất hành ý, khóa lại hẳn hoi nên hành khách yên tâm muốn đi đâu thì đi không cần người ngồi giữ khư khư. Đa số hành khách leo lên giường đánh một giấc dưỡng sức. Trong toa của tôi có hai cô gái người Châu Âu, không biết đến từ nước nào bởi tôi chưa dám trò chuyện sợ lộ thân phận Việt kiều. Hai cô gái này coi bộ còn trẻ lắm, khoảng mười tám hai mươi, mỗi người một cái ba lô, xí xô xí xà tiếng gì tôi không hiểu (lúc về Hội An gặp rất nhiều du khách ngoại quốc từ Châu Âu sang và tôi được biết người Việt mình đặt biệt danh cho những du khách này cái tên ngộ nghĩnh mà cũng thật chính xác: “Tây ba lô” bởi họ hay đeo ba lô đi du lịch, đơn giản, tiện nghi). Cửa sổ của các toa xe lửa khu giường nằm đều có cửa lưới bằng sắt đóng chặt không thò đầu ra ngoài được. Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày xưa không có vậy. Sau này hỏi ra mới biết vì dân mình ăn uống trên xe lửa xong quăng rác rưởi xuống đường tỉnh bơ, ngày càng nhiều, ngay cả lúc đi ngang qua làng mạc thị trấn có dân cư cũng vậy, nên dân hai bên đường ghét lắm, họ lượm đá quăng lên xe lửa, có người đã bị u đầu mẻ trán… Hai tay tôi nảy giờ vịn chặt vào khung cửa lưới đã bị hoen rỉ nhiều chỗ, cộng thêm bụi đường bay vào làm những ngón tay và hoa tay bị ngã màu vàng pha trộn màu đen tự lúc nào không biết, có lẽ không cách chi rửa một lần là sạch được.
Tôi hỏi dò:
– Cali chú ở đâu?
– Chú ở khu Tiểu Sài Gòn, thành phố Westminster.
Tôi reo vui:
– Oh, Ruby cũng vậy.
Ông cười dòn:
– Không ngờ mình là neighbors của nhau từ Việt Nam sang đến Mỹ mà hôm nay mới gặp trên chuyến xe lửa này.
– Vậy chú sang Mỹ từ hồi nào?
– Năm 1981. Sau 1975 chú bị đưa vào trại “cải tạo” vì tội không phục tùng chế độ. Năm ’81 trốn qua Phi rồi tới Mỹ định cư tại Cali, sống loanh quanh khu Bolsa từ đó. Cô bé có biết tiệm Lily’s Bakery trên đường Bolsa không?
– Dạ…
– Nhà chú gần đó, thỉnh thoảng đi bộ ra uống cà phê với bạn bè. Chà, chẳng biết Đà Nẵng bây chừ có gì lạ không hỉ?
– Ruby cũng không biết nữa… mà thấy hồi hộp lắm! Sau ’75 Ruby còn nhỏ, lớn lên trong chế độ này thì chẳng có kỷ niệm gì vui cả. Chú kể chuyện Đà Nẵng trước ’75 cho Ruby nghe với.
– Chú gốc Đà Nẵng nhưng ít khi ở Đà Nẵng. Ngày xửa ngày xưa chú đi học ở Huế. Chú biết và nhớ nhiều về Huế… Cô bé có muốn nghe không?
Tôi cười gật đầu.
– Huế có cà phê Phấn, có rạp xi nê Hưng Đạo, Châu Tinh, Đập Đá, sông An Cựu, cầu kho Rèn, đường lên Phú Cam, Bao Vinh, đường Phan Bội Châu với những tiệm mè xững. Đặc biệt quán cơm Âm Phủ mà đa số thực khách là sinh viên từ Đà Nẵng ra học tại đây. Còn có cửa Thượng Tứ với bánh khói dòn rụm, thơm phức. Gái Kim Long, Vĩ Dạ làm cho sinh viên mê mệt…v..v… mà chú cũng không ngoại lệ…
– Có phải là “Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế bỏ đi không đành” hả chú?
Tôi cười lớn phá ngang lời kể của ông. Ông cười theo…. Và những kỷ niệm ào ạt trở về với ông…
– Chú kể cho Ruby nghe chuyện chú làm thơ khi còn học tại Huế nè. Đường từ cư xá sinh viên nội trú lên trường luật phải đi ngang trường Đồng Khánh, gặp giờ tan trường thì…ôi thôi, tha hồ nhìn trộm. Thế rồi một lần bị tiếng “sét” ái tình… Khi về nội trú cũng “bày đặt” mần thơ để gởi hồn vào từng vần, từng âm, từng điệu. Bài thơ đại ý rằng thì là em đẹp quá, em “hớp” hồn tôi, chừ tôi ngẫn ngơ như kẻ mất hồn. Ừ nhỉ, vì hồn tôi đã bị em cuốn mất tiêu rồi. Ruby biết sao không? Trong nội trú có một tay “lãng du” cấp 8, sống lập dị, ít nói, ít cười… cả ngày cứ vùi đầu vào thơ với thơ. Chú thần tượng anh ta nên mon men đem tuyệt tác đến hỏi ý kiến “sư phụ” xem bài thơ nầy có làm “em” xiu lòng không. Hắn đọc nửa chừng, hắn phá lên cười, cười ngất nga, ngất nghểu, cười sặc sụa, cười cong lưng, cười đỏ mặt.. “Thôi cậu ơi”, hắn nói và tiếp: “cậu cứ đón đường nhỏ đó và nói thẳng là cậu thương nó, hy vọng nó thương lại, chứ cậu mà đưa bài thơ ni cho nó thì cậu tự mình cản đường mình”. “Tại sao vậy hả anh?” Chú hỏi. “Thơ cậu làm dở ẹt hà!”.
Ông ngưng kể nhìn ra cửa sổ như muốn in lại trong đầu những cảnh đẹp bên ngoài. Một lát sau tôi hỏi tiếp:
– Rồi sao nữa chú?
– Hết.
Ông trả lời gọn ơ và nói:
– Thôi, mình vô chuẩn bị hành lý đi cô bé.
o~o~o~o~o~o
Tôi đang nằm lim dim trên một phiến đá to lắng nghe tiếng thác chảy, tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng gió, tiếng lá đang xì xào tâm sự… Mấy nhỏ bạn đã đi leo núi rồi. Yosemite mùa hè nóng quá, tôi chỉ muốn ngâm chân vào dòng nước mát nghỉ ngơi một chút sau hơn nửa ngày vừa lái xe, vừa ngắm cảnh, vừa chụp hình… Tự nhiên tôi linh cảm như có ai đó đang nhìn mình. Ngồi bật dậy tôi thấy ngay một người đàn ông đứng trước mặt tự hồi nào không biết, trên tay cầm một cái máy ảnh Nikon với ống kính tele dài cả gang tay. “Quen mặt quá, mình đã gặp ở đâu?”, tôi nhủ thầm và cũng vừa chợt nhớ ra. Người đàn ông cười cười lên tiếng:
– Cô bé Ruby còn nhớ chú không?
Tôi mừng rỡ reo lên:
– Ah chú… chú… Nhớ… Ruby nhớ… một năm rồi hả chú? Chú đi leo núi?
– Không, chú đi “săn hình” với mấy anh chị em trong hội nhiếp ảnh.
Vài hình ảnh trong chuyến tàu tốc hành Sài Gòn – Đà Nẵng của năm ngoái thoáng trở về trong trí tôi.
– Thì ra chú không những có tài vẽ tranh, có khiếu kể chuyện mà còn là một nhiếp ảnh gia nữa.
– Vẽ và chụp ảnh là sở thích của chú, rồi đưa đến đam mê học hỏi, chỗ nào có cảnh đẹp là chú lần mò tới, chứ tay nghề chú còn yếu lắm.
– Mà sao chú thấy và nhận ra Ruby liền hay vậy, trí nhớ của chú cũng tốt ghê!
– Không đâu, tại vì… hình ảnh của Ruby chẳng biết tự bao giờ đã ghi sâu trong lòng chú…
Vừa lúc nhóm bạn tôi trở về, thấy cái máy ảnh trong tay chú thì biết ngay đã gặp được “dân pro” nên xúm lại đòi chú chụp hình dùm. Trước khi chia tay tôi có cho chú địa chỉ nhờ chú sang ra và gởi cho mấy tấm hình. Hồi đó chưa có điện thư email gì cả, mà cũng chưa có máy hình digital, không biết hình chụp thế nào, có đẹp hay không. Hai tuần sau tôi nhận được một xấp hình của chú gởi tặng, không những có hình của bọn tôi mà còn có rất nhiều hình phong cảnh thật đẹp. Trên phong bì tên người gởi đề vỏn vẹn chữ “Chú” và địa chỉ của chú, còn người nhận là “Ruby của chú” và địa chỉ của tôi. Hóa ra tôi chưa hề biết tên chú.
o~o~o~o~o~o
Thời gian trôi nhanh như cơn gió. Kỹ thuật điện toán ngày càng tân tiến. Bây giờ email và internet đã rất thịnh hành. Ngồi ở nhà mà có thể biết cả thế giới đang xảy ra chuyện gì. Tôi thầm cảm phục những nhà bác học, những nhà phát minh, những tay điện toán thần sầu như Bill Gates, như Steve Jobs… đã góp không ít công sức cho nhân loại. Vừa Log In vào Facebook tôi thấy có một Friend Requests từ người nào đó với cái tên tiếng Việt lạ hoắc không có dấu, chẳng biết tên thật hay giả, có quen hay không. Tôi dùng tên thật trên Facebook cho nên có thể người quen hoặc bạn bè cũ tìm ra. Vì vậy để cho chắc ăn, tôi Message hỏi:
“Dạ xin lỗi ai vậy?”.
Người bên kia Message lại:
“Ruby của chú ơi…”.
Tôi giật mình, thế giới nhỏ bé hay tôi có duyên với chú? Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Nhưng tôi với chú chỉ tương ngộ có hai lần. Và mười năm trôi qua rồi bây giờ mới gặp lại nhau trên… thế giới ảo.
“Chú… lâu quá không gặp, chú dạo này ra sao?”
“Chú vẫn thế, vẫn săn ảnh đều đều. Mấy bữa trước tìm được Email của Ruby trong Facebook, chú có gởi cho Ruby rất nhiều ảnh chú chụp sao chẳng thấy Ruby nói chi hết rứa, hay là không nhận được? Mà chú không thấy Meo bị trả lui mờ. Nếu nhận được mà làm thinh thì nghỉ chơi với Ruby luôn. Thiệt đó.”
“Cám ơn chú đã nghĩ đến Ruby, nhưng Ruby không nhận được gì cả có lẽ nó bị vô thùng Spam rồi.”
“Ruby biết sao không, mỗi ngày chú mở Yahoo!Mail cả chục lần lận đó, mà mỗi lần không thấy con số nào mới trong Inbox là thấy buồn..vời…vợi rứa thề.”…
Và từ đó tôi giữ liên lạc thường xuyên với chú trên Facebook qua những Message ngăn ngắn mỗi ngày.
……
“Ruby ơi, Chúa Nhật rồi Ruby có đi chơi đâu không? Có gì vui không hỉ? Chú được người bà con rủ tới nhà cho ăn bún thịt nướng và uống bia nữa. Ngồi ăn uống vui vẻ mà cứ nghĩ tới Ruby hoài, tức cười ghê đi! Đúng là lẩm cẩm.”
“Dạ Ruby chẳng đi đâu hết…”
……
“Nguy to rồi Ruby ơi, chú phải cố gắng tự chủ con tim và lý trí của mình mới được, chứ cái kiểu nầy thì chắc… chết sớm quá. Sao mà đầu óc cứ nghĩ tới cô bé hoài, thật là… “bịnh”, hết thuốc chữa! Ráng quên đi! Nhưng quên bằng cách nào chừ, hỉ? Ruby có biết rằng mỗi Message from Ruby là mỗi hồi hộp cực mạnh trong chú không? Ruby ơi…”
Chú nói xa nói gần điều gì đây? Tim tôi đập nhanh. Trái tim tưởng đã ngủ quên nay bị đánh thức bởi những dòng chữ trên màn hình trước mặt. Lạ thật!
……
“… có biết chú thương Ruby không?
Không! Không! Ruby không muốn biết đâu! Con tim xao xuyến nhưng tôi vẫn giả bộ:
“Ruby nghĩ rằng chú thương Ruby như thương một người cháu của chú, đúng không? Hay là chú đang ghẹo Ruby?”
“Chú thương cô bé đến ngủ không được, không biết tại sao thương. Có điều thật lạ là, bây giờ nếu tình cờ gặp lại cô bé, sẽ không biết đó là ai, cũng sẽ thản nhiên như gặp những người khác vậy.”
……
“Ruby ơi, đừng cần biết chú là ai, chỉ biết chú thương Ruby kinh khủng. Ruby cũng đừng hỏi tại sao chú thương Ruby. Và Ruby cũng đừng thương chú nhé, cứ để mình chú thương Ruby đủ rồi!”
Tánh đa nghi, tôi thắc mắc:
“Biết câu nào của chú là “thực”, lời nào là “hư” đây nhỉ?”
“Chú viết cho Ruby từ trái tim, vì chú thương Ruby, thương điên lên được!!! Xin đừng hỏi tại sao chú thương. Nếu không thương thì tại sao nói thương, nói để làm gì. Đúng ra chú không nên cho Ruby biết là chú thương Ruby nhưng chú không giữ được trong lòng, cứ nói ra, Ruby đâu có “rầy” mà sợ chớ. Chú muốn thét lên thật to trên bãi biển vắng lặng chỉ có âm thanh của sóng – Ruby ơi, thương quá! Thượng đế ơi, con thương Ruby quá… – Tin chưa?”
……
Trời nợ, làm sao tôi có thể thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Trái tim của tôi nó đâu có chịu nghe lời khối óc của tôi. Khối óc bảo con tim đừng rung động, con tim lại càng rung động mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đôi mắt và những ngón tay của tôi theo phe trái tim, cũng chẳng chịu vâng lời khối óc. Khối óc bảo ngón tay đừng bấm vào Message nữa, bảo mắt đừng nhìn đừng đọc nữa, mà tụi nó có chịu nghe đâu.
Những ngón tay miễn cưỡng gõ lên mặt phím chữ:
“Ruby hy vọng đó chỉ là những cảm xúc thoáng qua trái tim chú thôi, là chút thi vị trong thế giới ảo….. nhưng xin chú giữ tâm tư bình lặng để trở về với cuộc sống thực tế…, chú nhé…”
……
Những sợi dây thần kinh lý trí đã tiếu ngạo giang hồ nơi đâu, tại sao chúng không trói chặt trái tim tôi lại mà để trái tim leo rào đi hoang thế này. Tình yêu đó như những cánh chim tung bay trên bầu trời xanh và tôi chỉ có thể đứng xa xa ngắm nhìn, không thể nào đến gần, không thể nào có được…
……
“Chú cũng cầu mong như vậy! Cầu mong đó chỉ là… một thoáng rung tim, một thoáng yêu thương và sẽ lịm dần, lịm dần theo thời gian, như một thoáng mây bay rồi tan biến theo gió thoảng. Nhưng mà Ruby ơi, văn hào B. Rabutin có nói một câu bất hủ: – Tình yêu với sự tìm quên cũng giống như gió với lửa, gió chỉ dập tắt những ngọn lửa nhỏ nhưng gió làm cháy bùng những ngọn lửa lớn. – Và, “người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…“. Không thể nào không thương được! Không thể nào quên được. Cứ sống theo con tim lãng mạn của mình!”
……
Cái cảm giác đê mê lâng lâng như cảm giác va chạm thể xác lần đầu của đôi tình nhân mới yêu chạy rần khắp thân thể mỗi lần tôi đọc những Message của chú. Mấy lời lẽ đó cũng tầm thường thôi, cũng thương cũng nhớ cũng ngọt ngào như bao bức thư tỏ tình khác thế mà chúng có sức mạnh huyền diệu làm trái tim tôi xao xuyến bồi hồi lạ lùng!
Hôm nay chú viết:
“Nếu thật sự con tim đã thức giấc, sao nở tự dối lòng mình… bịt tai, nhắm mắt xua đuổi tiếng gọi của nó! Rõ ràng con tim của em đã và đang bị đông đá rồi phải không, người con gái dễ thương quá đi ơi. Những lời nầy tôi viết cho EM đó!”
Có phải con tim tôi đã bị đông đá chăng? Hay nó chỉ như chú gấu nhỏ ngủ đông và nay bị những tia nắng ấm áp của mùa xuân đánh thức? Những lời yêu nóng bỏng thường tình đó lại có một mãnh lực đủ thiêu cháy trái tim mềm yếu, cả tin này của tôi. Tôi sắp bị chết ngạt trong tình yêu chất ngất của chú.
Và câu chuyện này sẽ có kết cuộc như thế nào? Một ngàn lẻ một dấu chấm hỏi đang nhảy múa trong trí óc tôi.