Chuỗi Mân Côi ! Truyện Ngắn by Alain Bảo Phán – Based On The Truth !

Chiếc cầu Tân Thuận dài và rộng nối liền Sài Gòn và Nhà Bè, mấy tháng nay trở nên rất gần gủi với tôi. Tuy ở Sài Gòn gần 15 năm, nhưng chỉ có khoãng thời gian mấy tháng trước khi đi Mỹ, tôi mới biết chung quanh thành phố, còn rất nhiều những vùng ngoại ô rất đẹp và nổi danh khác.

Tôi quen Trang trong những tháng ngày còn lại, trước khi xuất cảnh đi Mỹ. Đã hơn 30 năm trôi qua, tóc giờ đã bắt đầu điểm bạc, khóe mắt đã hằn sâu vết chân chim, nhưng những ngày dĩ vãng xa xưa đó vẫn in đậm trong tâm khảm tôi.

Trang

Trang

…….Buổi khám sức khỏe tại bệnh viện Chợ Rẫy hôm nay khá đông người. Những khuôn mặt lo âu chen lẫn ánh mắt vui mừng thấp thỏm, hồi họp ngồi đợi tới phiên mình. Gia đình tôi cũng nằm trong số người đó.

Tôi ngồi thấp thỏm tâm trạng háo hứng, vừa liếc mắt đọc cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London, vừa tò mò nhìn lên hàng ghế trước. Gia đình một mẹ và hai cô con gái  ngồi hàng trên ,hình như đang bối rối bàn tính chuyện gì cần thiết.

Thỉnh thoảng, cô gái với ánh mắt trẻ trung nghịch ngợm , có nét mặt rất tây lại quay nhìn về phía tôi, nhưng khi bắt gặp ánh mắt hiếu kỳ tò mò của tôi. Cô gái lại nhanh chóng cúi mặt quay nhìn về hướng khác.

Tôi cũng hơi bối rối, cứ giả bộ chăm chú vào cuốn truyện, làm như không nghe không thấy.

Bất chợt có tiếng nhỏ nhẹ:

– Anh gì ơi ! Anh cũng đang đợi khám sức khỏe phải không.

Tôi ngước nhìn, giọng nói phát xuất từ cô gái có vẻ lớn hơn, khuôn mặt rất thánh thiện. Hơi mỉm cười, tôi xác nhận:

– Đúng rồi ! có gì không em ?

Tôi gọi em và xưng anh tỉnh bơ, dù đoán chắc rằng hai cô này chắc cũng chỉ khoãng tuổi tôi. Cô em có khuôn mặt rất “tây”, lúc này bổng trở nên dạn dĩ, nhìn thẳng vào mắt tôi:

– Tụi em cũng chờ khám sức khỏe. Nhưng mẹ em chờ lâu quá đói bụng, nên hai đứa em định chạy ra ngoài bệnh viện mua gì ăn.

Tôi chưa kịp nói gì, thì cô em nói tiếp:

– Anh coi chừng mẹ em một chút nhé. Tụi em đi nhanh lắm. 15 phút thôi !

Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý, chưa kịp nói nên lời. Bà mẹ của hai cô gái xen vào:

– Thôi Dung đi với anh ấy đi – Mẹ ngồi đây với chị Trang tiện hơn.

Cô chị tên Trang tế nhị ngắt lời mẹ nàng:

– Mẹ này, mẹ chưa hỏi anh ấy có rảnh không, mà nhờ ảnh đi mua đồ rồi.

Tôi đứng dậy:

– Dạ bác, để con chạy lên coi đến lượt gia đình con chưa.

Nói xong, tôi đi nhanh đến anh công an tại bàn gọi tên, để kiểm tra coi gia đình tôi khi nào đến lượt vào khám.

Vì mẹ tôi trước đó khi nộp giấy tờ để khám, bà đã kẹp tiền đưa cho viên công an. Nên tôi dễ dàng biết được phải còn hơn 10 gia đình nữa mới đến phiên gia đình mình.

Tôi quay lại gặp Trang, Dung và mẹ hai cô:

– Còn hơn 10 gia đình nữa, con đi được. Nói xong tôi đưa mắt nhìn hai chị em chờ đợi.

Dung nhìn chị nháy mắt:

– Chi Trang đi với ảnh kìa.

Tôi nhìn Trang chờ đợi, thì Dung nhìn chị nguýt dài:

– Vậy mà hồi nảy chị đòi đi.

Dung quay lại bước nhanh đi trước:

– Đi thôi anh ơi ! cám ơn anh nhé !

Như chợt nhớ ra điều gì, Dung hỏi lớn:

– À mà anh tên gì, em quên hỏi ?

– Anh tên Bảo Phán.

Đi đến cầu thang, Dung vừa nhíu mày, vừa nhìn tôi:

– Anh tên Bảo hay tên Phán ?

Không muốn giải thích dong dài, tôi nói:

– Anh họ Bảo, tên Phán. gọi anh là anh Phán được rồi.

Vửa bước vào thang máy, tôi tò mò hỏi Dung:

– Em có lai không ? đi theo diện con lai hả ?

Dung bật cười khanh khách:

– Lai gì đâu anh ! Ba em bảo lảnh ! Ba em đi trước 75.

– Anh cũng vậy ! anh cũng đi theo diện bảo lảnh.

Trên đường đi xuống mua đồ ăn và trở lại, Dung tíu tít kể từ chuyện này sang chuyện khác. Dung cũng không quên bật mí:

– Anh Phán nè, lúc anh ngồi đọc truyện, chị Trang cứ liếc nhìn anh hoài đó. Vậy mà lúc em kêu chị Trang đi chung với anh. Chị lại mắc cỡ và từ chối lia lịa.


Tôi quen Dung và Trang như vậy đó, được sự đón chào nồng nhiệt của 2 bà mẹ từ hai gia đình. Rất đơn giản và dễ hiểu, chúng tôi cùng một số phận và cảnh ngộ. Chúng tôi đều là con cái của ngụy quân ngụy quyền, chế độ mới không welcome chúng tôi. Tuy quen biết nhau tình cờ trong một thời gian rất ngắn, nhưng mức độ thân thiết giữa chúng tôi càng ngày càng gắn bó.

Nhà tôi nằm ngay trong khu đồi có hai buildings của Pháp, kế bên Đài Phát Thanh và Đài truyền Hình. Hai chị em Dung và Trang lại học Anh Văn tại trường Đại Học Tổng Hợp rất gần nhà tôi. Thế là mỗi buổi chiều sau khi tan học, hai chị em lại chở nhau honda đến nhà trò chuyện, hoặc rủ nhau đi uống cafe.

Trang hiền dịu thánh thiện bao nhiêu, thì cô em Dung láu lĩnh và nhanh nhẹn bao đó. Chúng tôi chủ nhật cuối tuần lại hay ghé nhà thờ Đức Bà vào những buổi lễ lớn.

Có những lúc tôi quỳ trước tượng chúa, nhìn Trang thánh thiện cầu nguyện. tôi lại liên tưởng đến nét mặt hiền từ bao la của thánh nữ. Tôi tuy đạo Phật, nhưng tôi lại rất thích đi nhà thờ, nhất là đi với Trang và Dung.

Trang thường nắm chặt tay tôi, thường thì thầm :

– Em luôn cám ơn Chúa đã tạo cơ hội cho em và anh được gặp nhau.

Tôi thì luôn giữ im lặng, sợ rằng lời nói của kẻ ngoại đạo như tôi, sẽ làm tan vỡ nàng thánh nữ đang hiện hữu bên tôi.

Dung thì luôn tế nhị, lúc nào cũng tìm cách ngồi xa , hoặc kiếm cớ đi mua đồ dạo phố để chúng tôi được thoải mái tự nhiên.

Ngày lại ngày trôi qua, tôi cũng được lên danh sách định cư sum họp với ba tôi bên Mỹ. Chiều chủ nhật tuần cuối cùng, trước ngày lên máy bay, tôi lặng lẽ đạp xe sang Nhà Bè để từ giã gia đình Trang.

Cầu Tân Thuận những ngày sắp rời Việt Nam dường như dài hơn và dốc hơn, cứ đạp một khoãng tôi lại nhảy xuống dắt bộ.Con đường đến nhà Trang dường như nắng gắt hơn, và hẹp hơn mọi khi. Dù rằng đây không phải lần đầu tối đạp xe đến nhà nàng, nhưng linh cảm sẽ không gặp Trang nữa luôn ám ảnh tôi.

Hôm đó Trang khóc thật nhiều, nàng trao cho tôi địa chỉ của gia đình nàng bên Mỹ, và bảo tôi hứa qua đó phải gửi thư về liên lạc với nàng.

Tôi cầm chặt tay nàng, và tờ giấy ghi địa chỉ, giọng cương quyết:

– Anh hứa sẽ gọi điện thoại cho ba em. Nhưng nhiều nhất 3 tháng sau, gia đình em cũng qua Mỹ mà, em đừng có khóc.

Trang vẫn nức nở, đặt vào lòng bàn tay tôi một chuỗi ngọc mân cô màu xanh có tượng đức mẹ:

– Anh giữ chuỗi mân côi này. Khi nào nhớ em thì cầm chặt nó và cầu nguyện. Em sẽ ở bên anh.

Tôi xúc động nắm chặt tay nàng ấp úng:

– Cám ơn em. Anh hứa.

Trang ngước khuôn mặt thánh thiện thiên thần nhìn tôi:

– Anh mà không tốt, thì chuỗi ngọc sẽ đục. Anh mà tốt luôn nghĩ đến em, thì những hạt ngọc trên chuỗi mân côi sẽ luôn trong sáng.

… Qua Hoa Kỳ định cư không bao lâu, vài tháng sau tôi được tin gia đình Trang cũng qua và đang định cư ở một tiểu bang miền đông. Tôi đã mất nhiều thời gian để điện thoại cũng như gửi thư đến Trang. Nhưng Trang vẫn bặt vô âm tín, thư thì trả lại vì không có ai tên đó, điện thoại thì nhầm người.

Rồi cuộc sống gió lốc quay cuồng nơi xứ người, nhanh chóng đưa hình bóng Trang chìm sâu trong quên lãng của tâm trí tôi. Cuối năm 2000, tôi nhận một lớp dạy tiếng Việt tại nhà thờ ViệtNam  tại Las Vegas. Một buổi chiều sau khi tan lớp, tôi chuẩn bị ra về. Bước ngang qua thánh đường, tôi thấy dáng người nhỏ bé của một nữ tu đang quì trước tượng đức mẹ, bàn tay đang nắm vòng quay chuỗi hạt mân cô.

Giữ im lặng, tôi toan bước đi thật nhanh ra ngoài sân, nhưng cùng lúc đó vị nữ tu đứng dậy và bước về phía tôi. Sửng người tôi nhận ngay ra đó là Trang, và Trang cũng nhận ra tôi. Nàng không thay đổi bao nhiêu, khuôn mặt vẫn thánh thiện như xưa. Ngày hôm đó, tôi nói nhiều lắm, hỏi nhiều lắm, lý do tại sao nàng không trả lời tôi khi mới qua Mỹ.

Nàng lặng im và khóc thật nhiều… bờ vai nhỏ thỉnh thoảng run lên, đôi mắt ngấn lệ,  hai tay nắm chặt vào nhau. Tôi đầu óc quay cuồng,đôi chân tê cứng, mệt mỏi lê bước ra khỏi giáo đường.  Tiếng chuông chiều vang lên từng hồi, như tỉnh thức người đang loạng choạng ra đi , kẻ ngậm ngùi ở lại.

Hôm sau tôi ghé nhà thờ, giao lại cho  Trang chuỗi mân cô bằng ngọc vẫn sáng lóng lánh như ngày nào.  Vài ngày sau, tôi được vị linh mục chủ quản báo là “Sơ Trang” đã chuyển đi qua tiểu bang khác, kèm theo một lá thư gửi cho tôi.

Bức thư chỉ vỏn vẹn 5 chữ :

” Em xin lỗi anh !

Trang”

LAS VEGAS, NEVADA 18 tháng 4 năm 2020

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s