Còn một nụ cười buồn – Bảo Phán – (ALAIN BẢO)

Chương I – Ngày Thứ Sáu

10418458_10203516790435313_5036646898076791015_n

Máy bay hạ cánh vào khoảng 5 giờ sáng Houston, hắn bước ra vội vã cùng với hàng loạt hành khách vẫn còn đang ngái ngủ, có người ngáy khò khò, tỉnh bơ như người Hà Nôi, cho đến khi cô tiếp viên đến đánh thức dậy.

Ngoài trời đang hừng sáng, cái nóng ẩm ướt, khó chịu của Texas đã choàng lấy thành phố Houston vội vàng trong bình minh hé mở.

Việt, với chiếc quần short và áo sơ mi, dáng vẻ nhanh nhẹn xông xáo, có lẽ vội vã thay, để kịp ra phi trường đón hắn. Anh mở cửa xe để hắn ném cái túi sách ra băng sau, và nhảy vô ngồi ở ghế trước, rồi Việt lái thật nhanh về nhà.

Đường xá Houston nhìn có vẻ rất ư là thiếu thước tấc, có lẽ do bị ngăn đôi bởi một đường giữa khá rộng, và cũng bởi có quá nhiều khúc cua dùng để quẹo trái hay rẽ phải dọc hai bên đường.

Về đến nhà Việt, anh dắt hắn vào phòng đã chuẩn bị sẵn, và nói ngắn gọn:

“Đây là phòng anh, hôm nay thì không có ai – anh cứ ở tạm phòng này.”

Sau đó anh vội vả bước ra, hình như để tiếp tục trở lại cơn ngủ vật vờ bị đánh thức bởi chuyến bay đêm của hắn.

Căn phòng thật đơn giản, nhìn ra mặt tiền của ngôi nhà, có một chiếc giường ngủ khá lớn cho hai người, và một loại giường nhỏ dành cho những người đi cắm trại. Hắn đoán, đây là gian phòng cho khách “thập phương” ngủ.

Vì đã ngủ khá nhiều trên máy bay và có thói quen thức sớm, hắn mở chiếc Laptop – vật bất ly thân của hắn, đặt trên chiếc bàn kính vừa làm việc, vừa nhìn khung cảnh lá rơi đơn độc phía dưới nhà.

Bên dưới sân, thỉnh thoảng có tiếng người lao xao, đi ra đi vô, sau này hắn mới biết đó là những người làm vườn, đến tỉa cây, dọn sân, hoặc sửa sang máy móc, bảo trì các thiết bị dùng trong nhà.

Hắn mãi mê làm việc, thỉnh thoảng lại vén cửa sổ nhìn xuống sân, như để giảm bớt sự im lặng tịch mịch, và thư giản hít thở không khí trong lành của buổi sáng thứ sáu.

Khoảng 12 giờ trưa thì hắn nghe tiếng gõ cửa.  Đó là chị Thùy – bà xã anh Việt – nhờ hắn chở đi công chuyện và mua thức ăn trưa.  Vì anh Việt mới bị đụng xe, may mắn chỉ có chiếc xe là tan nát đời hoa, còn anh chỉ bị xây sướt nhẹ, và nhức đầu nhẹ.  Ừ thì… của đi thay người mà! năm tuổi như vậy cũng là may mắn lắm.

Hắn chở chị Thùy đi mua phở, mua cơm đem về nhà và ghé thăm một vài nơi chị cần tới. Sau đó vợ chồng chị dùng phở, còn hắn thì ăn một dĩa cơm.

Buổi chiều, hắn và Anh lụi cụi thay hộp Cable mới, nghe đâu sẽ chạy nhanh gấp 10 lần cái cũ, loay hoay mãi hơn hai tiếng, thì cả hai mới biết đó là hộp TV connector của hãng Comcast dùng để dụ khị khách hàng chuyển qua công ty của họ. Chị Thùy ngồi lặng lẽ vô bao gối, sắp xếp bàn ghế cho khu vườn sau nhà chuẩn bị cho khách đến ở lại nhà. Hắn lặng lẽ giúp anh chị những việc thật bình thường và đơn giản nhất.  Không khí trong khuôn viên sau nhà thoáng mát, gió nhè nhẹ thổi, thỉnh thoảng làm những hạt bụi bay vào trong mắt hắn.

Sau vườn, có một ngôi nhà gỗ nhỏ, chung quanh có một chiếc cầu và hòn non bộ. Tiếng lá reo xào xạc, làm hắn chợt nhớ đến thuở thiếu thời… cách đây 30 năm,  mỗi lần trốn học, hắn cũng từng ngồi với bạn bè dọc sở thú , hay ra ngồi lề đường đầy lá me bay, hay đến bên cạnh bờ tường ngôi trường Trưng Vương đầy mộng mơ của tuổi học trò hồn nhiên .

Chiều tối, vợ chồng Việt và Hắn cùng nhau luân phiên hát Karaoke và chuyện trò  như ba người bạn thuở Ô Mai Học Trò. Việt có giọng hát khá mạnh, giống như tiếng nói sang sảng của anh. Việt là một người lịch thiệp, giỏi trong giao tế; hoàn toàn trái ngược với hắn, hắn là kẻ ít nói, ít tiếp xúc, đơn độc lặng lẽ, như con sói cô đơn đến từ thành phố tội lỗi Las Vegas.

Sau khi ca hát đã đời, vợ chồng Việt cùng hắn đến một quán ăn Mễ Tây Cơ dùng bữa tối. Thức ăn thật ngon, cách phục vụ cũng thật chu đáo, thỉnh thoảng lại nghe ban nhac sống phòng bên cạnh vang dội, cùng tiếng cười sảng khoái của mấy tay nhậu đêm cuối tuần.

Dù rằng không thích ăn đồ Mễ Tây Cơ tý nào, nhưng sau này nếu có ai hỏi đến loại thức ăn này ở nơi nào ngon,  thì chắc chắn Hắn sẽ “quảng cáo” cho quán này khi họ tới Houston. J

Trên đường về, trời đã bớt nóng đi nhiều, dọc đường lại phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lộ phí Toll cho hệ thống đường xá tại đây. Nếu hắn không nhầm, thì mỗi bận đi qua lại thì tốn mất ba lần trả tiền toll way, đi ăn bữa tối đó, tổng cộng phải trả sáu lần. Hắn mỉm cười nói: “Nếu một công nhân có mức lương 10 dollars một giờ, thì lộ phí để đi trên đường Tollway này, đã mất hết hai tiếng làm việc của họ rồi.”

Về tới nhà, anh Việt giới thiệu với hắn cậu con trai út (có lẽ con cưng của anh), cậu bé đang là sinh viên năm cuối tại University of Texas at Austin. Khác hẳn với bố cao lớn, cậu bé khá nhỏ nhắn, giọng nói thật nhỏ nhẹ, rất ngoan – Hắn trò chuyện với cháu hồi lâu và chúc cháu may mắn thành công trên đường sự nghiệp.

Sau khi nói chuyện với hai bố con của Việt, hắn trở về phòng, tắm rửa thật kỹ để tẩy đi mùi mồ hôi ẩm ướt khó chịu của thời tiết “quái đản” đặc biệt Houston, rồi lại tiếp tục lặng lẽ làm việc. Dưới sân nhà, bóng đêm đã dày đặt, chung quanh không một tiếng động… sau tám năm trở lại Houston, hắn cảm thấy thành phố trở nên đông đúc, lộn xộn và đông người Việt hơn. Lang mang với bao suy nghĩ, hắn thiếp đi vào giấc ngủ mộng mị “nghê thường” lúc nào không hay. Đâu đó trong giấc ngủ chập chờn, Hắn mơ thấy một Nha Trang đầy nắng đầy gió, một Nha Trang với hàng thùy dương trải dài dọc theo bờ biển đầy cát trắng, từng đợt sóng êm đềm của một thời niên thiếu xa xưa.

 

Chương 2: Tô Phở   (mến tặng anh NKL)

Thứ Bảy… một ngày tạm gọi là nghỉ ngơi với mọi người sau tuần dài mệt mỏi vì công ăn việc làm, nhưng với hắn, ngày nào cũng là ngày của công việc. Thứ Bảy này lại càng bận rộn hơn với Hắn khi đến với Houston chuyến này. Người trước tiên Hắn cùng Việt chào đón trong ngày thứ Bảy là Anh ba Khía. Tên anh đẹp lắm, có ý nghĩa lắm chứ, nhưng Hắn thân thương gọi anh là anh ba Khía vì anh gầy gò, mộc mạc và hết lòng vì anh em. Anh đến cùng làm việc với Hắn và anh Việt. Anh đơn thân độc mã trên một khoảng đường dài về tới Houston, chở theo đồ nghề, nào xoong, nào nồi niêu, nào gia vị, để nấu phở đãi các anh chị em khắp nơi cùng về họp mặt vào dịp gây quỹ cuối tuần.

Hắn và Việt vội vàng xuống, phụ anh ba Khía chuyển đồ nghề nấu phở vào nhà bếp, nôn nao được thưởng thức tài nghệ nấu phở có một không hai của anh.

Buổi sáng sớm, sớm lắm, khi mọi người còn đang yên giấc, thì tiếng reng báo thức từ điện thoại của hắn làm hắn phải bật dậy, lúc đó mới 4:00 sáng. Vì đó là giờ hắn thường thức dậy mỗi ngày để làm việc. Đã là thói quen, hắn không thể ngủ trở lại. Hắn buớc xuống lầu, chậm rãi, đánh răng, rửa mặt, thì thấy anh ba Khía đang lục đục ở bếp. Khi hắn bước vào, anh nhìn hắn với nụ cười hiền hoà:

“Anh phải chuẩn bị đi chợ, mua thêm thịt và hâm nồi nước lèo anh đã làm tối qua.”

Hắn và anh ngồi uống cafe và đàm đạo chuyện đó đây, thế sự thăng trầm, thiên hạ Đông Tây. Nhưng lý thú nhất là khi lắng nghe anh ba Khía nói chuyện về nghệ thuật nấu phở, và cách điều hành phát triển tiệm phở. Anh nói say sưa và nhiều cảm hứng , đôi khi hắn cũng tự mỉm cười thầm nghĩ: “không biết anh ba Khía nhà ta có “yêu phở” nhiều hơn “yêu cơm” không ta!!!!” J

Hắn ngồi lắng nghe, và học hỏi từ anh thật nhiều, dù rằng đối với Hắn chuyện nấu phở, nấu cơm, nấu đồ ăn, hắn hoàn toàn mù tịt. Tô phở của anh nấu vừa đủ mặn mà, vừa đủ ngọt, thịt vừa vặn không quá mặn không quá ngọt, rau do anh tự trồng chở từ nhà đến, thơm và ngon không thể tả.

Ngồi một lúc, anh Đỗ và anh Quốc xuống, không biết hai anh này già rồi thì khó ngủ hay là do anh ba Khía và hắn sôi nổi bàn chuyện “Tô Phở”. Cùng nhau uống cafe và nói chuyện Đông Tây Nam Bắc. Hắn nghe nhiều hơn nói, vì kinh nghiệm và kiến thức của cả ba anh thật đánh kính phục. Ông bà ta nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả không sai.

Trò chuyện khoảng thêm một tiếng nữa, anh Đỗ chuẩn bị đi nhà thờ, anh Quốc chuẩn bị lên phòng làm việc, anh ba Khía thì lại lui cui quanh quẩn lo làm thêm thức ăn cho anh em, rồi lại đi chợ.

Tô phở của anh ba Khía, đã làm hắn bước xuống nhà bếp nhiều hơn, và có lẽ dù suốt quãng đời còn lại, hắn có thể thưởng thức được nhiều tô phở có thể thượng hạng hơn, nhiều món sơn hào hải vị hơn, nhưng Tô Phở của anh thì hắn sẽ không bao giờ quên được vị. Không những ngon về chất, không những đầy về lượng, mà nó đậm tình của người anh cả lo lắng cho em út. Dù rằng dạo này sức khoẻ anh không được tốt như trước, nhưng anh vẫn vì anh em. Chúc anh nhiều nghị lực, chúc anh nhiều may mắn, chúc anh nhiều an lành, để anh tiếp tục dấn bước, tiếp tục giúp đỡ mọi người, tiếp tục truyền kinh nghiệm cho đàn em út , và nhất là hắn! nếu có dịp hắn sẽ được ăn những tô Phở đậm đà tình quê hương, tình anh em trong nhiều lần sắp đến.

Nhìn anh cặm cụi nấu phở, hắn chợt nhớ, những lần ngồi hàn huyên với anh Trần Trung Đạo, một người anh , một người bạn rất thân với hắn, nhớ đến một câu thơ trong bài Nỗi buồn chiến thắng:

“Anh bước đi giữa trời đất Bắc, Hà nội mưa phùn lạnh kẽ xương …”

Hay như trong bài Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya, có đoạn:

“Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya

 Ðang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận

 Lịch sử Việt Nam vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận

Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay….”

Chương 3: Lễ Vu Lan

Hắn vừa định quay lên lầu để tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị cho buổi gây quỹ vào chiều tối, thì chợt thấy vợ chồng anh tư Minh diện đồ thiệt bảnh, quần áo thẳng băng như da mặt của con gái 18. Ngạc nhiên hắn hỏi:

“Anh chị tư đi lễ nhà thờ hả?”

“Không, đi lễ Vu Lan tại chùa Pháp Luân. Anh có muốn đi không?”

Hắn lưỡng lự và suy nghĩ thật nhanh: bây giờ là 10 giờ rồi, mà 1 giờ hắn phải tới Nhà Hàng để lo dọn dẹp và chuẩn bị cho công việc gây quỹ, hơn nữa lại chưa… tắm rửa, bộ quần áo đã mặc suốt cả đêm qua, đã thoang thoảng bốc mùi chua… nhè nhẹ.”

Hắn hỏi thật nhanh :  “Anh chị về đây trước 1 giờ chứ ?”, chị tư nhanh nhẩu trả lời “bảo đảm với anh.”

Hắn nói “okie, tôi cũng muốn đi chuà.”

Chạy vội lên lầu, hắn rửa mặt thật nhanh, xức một tý nước hoa cho bớt cái mùi phở đậm đà đêm qua, cộng với mùi mồ hôi ẩm ướt của xứ cao bồi ồn ào náo loạn giang hồ.

Liếc nhìn Ca Sĩ Đan Phương đang trùm mền kín mít, hắn đoán anh ta đang vỗ về giấc mộng nghê thường, để chuẩn bị lên tông xuống gió cho buổi chiều gây quỹ.

Xe khởi hành đi chùa gồm có bốn người, Anh tư lái xe, anh 2 Phì ngồi phía trước, hắn và chị tư ngồi băng sau. Đi được gần 30 phút, thì xe đỗ ngay khách sạn Holiday Inn, hắn sửng sốt:  “ủa! không đi chùa hả anh tư?”

Chị tư mỉm cười: “Ghé đây đón một bà cụ lặn lội từ Denver xuống đây để đi dự lễ Vu Lan.”

Bà cụ nói giọng “Bắc năm-tư” và có lẽ là một Phật tử thuần thành. Suốt hành trình, bà không ngừng giảng về triết lý nhà Phật. Qua cách ăn nói và dùng những thành ngữ Phật Giáo, hắn đoán ngay bà cụ là dân Bắc Tông chính hiệu con nai vàng.

Hắn lễ phép hỏi : “bác ở Denver chắc pháp danh là Không…”

Bà cụ nhanh nhẩu: “đúng rồi anh .”

Hắn mỉm cười hóm hỉnh: “Phật tử thuần thành lâu năm mà ở Denver thì Pháp Danh ai cũng là Không.. đủ thứ..”

Gia đình hắn vốn là phật tử hạng nặng tại quãng hương Già Lam, Phật Học Viện – Hải Đức, Nha Trang – hắn sinh trưởng lớn lên là đệ tử của cố Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Sư bà Diệu Không, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Cố Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, thầy Lê Mạnh Thát.  Vốn học tiếng Pali từ nhỏ, lại có duyên được tiếp xúc với các danh tăng Việt Nam trong và ngoài nước, hắn thừa hưởng trong dòng máu hầu hết bộ Tam tạng Kinh Điển Nam Tông, và hàng chục kinh BắcTông.

Tuy nhiên hắn vẫn im lặng, lịch sự lắng nghe bà cụ giảng dạy kinh điển và triết lý sống Phật pháp. Có lẽ đây cũng là niềm vui của hắn khi về già, mà thật ra, với hắn, ngày ấy “không còn xa lắm em ơi.”

Đoạn đường dường như ngắn lại, vì có bà cụ bạn đạo bàn chuyện Phật Pháp với hắn, dù rằng anh tư lái lộn ra lộn vô, chị tư cứ phải nhắc anh  mãi. Đến chùa, bốn người xuống trước, anh tư tìm chỗ đậu xe vì trong chùa đã hết chỗ.

Ngôi chùa này, cách đây 8 năm đã từng là nơi hắn ăn dầm, ngủ tháng, họp hành, đàm đạo cùng các chư tăng, giờ trở nên xa lạ và hụt hẫng đến chừng nào. Bước vào chánh điện lễ Phật và nghe thầy trụ trì thuyết pháp, hắn nhắm mắt lẩm bẩm đọc những bài kinh hắn vốn thuộc nằm lòng từ thuở xa xưa. Thầy đó và hắn đây, đã từng lái xe chung đường đến những nơi cần thiết, cũng vị thầy trụ trì chùa Pháp Luân từng đến ngủ và trai đường tại nhà hắn. Giờ đây xa lạ và trống vắng đến nhường nào.

Tan lễ, chị tư và hắn cùng bước vào trai đường để ăn “Chùa”, hắn vừa bước vào vừa lấy một hộp thức ăn chay “to go”, vừa vuốt lên sợi dây chuyền thánh giá bằng vàng 9999, mà mẹ hắn mua để phòng thân khi cần, bất chợt hắn mỉm cười:

“Trong Chúa có chùa, trong Thánh giá có Phật.”

Về đến nhà đã gần một giờ trưa, hắn chỉ kịp xách giỏ quần áo dùng để mặc cho buổi gây quỹ, và vẫn bộ quần áo bụi đời màu xanh nhạt chua lét, lặng lẽ giúp vợ chồng anh Việt chuẩn bị mọi thứ để đến nhà hàng nơi tổ chức tiệc gây quỹ.

Vậy đó… mùa lễ Vu Lan năm nay, hắn vội đến và vội đi tại một ngôi chùa tận mãi Houston, ngôi chùa mà hắn có thể nhắm mắt đi trong đêm tối đen mà vẫn không sợ bị té hoặc va đầu vào cột. Cuộc đời quả thật khó lường, phải không quý vị?!

Lúc này tại nhà hàng, các anh em đã bắt đầu đến đông dần, nói chuyện rôm rả, ồn ào như phố thị. Hắn chợt sờ tay lên thánh giá nhưng lòng lại vang lên một câu kệ Pháp Cú rất tâm đắc: “Đêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài cho kẻ vô minh.”

 

Chương 4: Còn Một Nụ Cười Buồn

Hắn khiêng đồ, khiêng ghế, trải khăn, bọc ghế, cột nơ cùng với các anh chị em mãi đến gần 5:00 giờ chiều thì mới tạm xong. Lúc này các cô Âu Cơ đã lên đồ, thoa phấn tô son, nhìn thấy mà… đã con mắt. Hắn cũng lặng lẽ bước vào phòng vệ sinh dành cho Nam giới để thay đồ và thắt cà vạt.

Phòng vệ sinh nam của nhà hàng có hai Toilets, nhưng một cái thì ôi thôi, “Phân trôi lềnh bềnh như kiếp người bạc mệnh”, có lẽ bị nghẹt. Hắn thay âu phục thật nhanh và bước ra chải đầu, lại một lần nữa phải cho một tý nước hoa lên người để khử bớt mùi từ cái phòng vệ sinh đó.

Hắn bước ra quan sát ban tiếp tân, cảm thấy quá đông người và sự có mặt của hắn là thừa thãi, hắn thở phào và kiếm một góc nhỏ tận cuối góc nhà hàng để quan sát thiên hạ và giữ đồ cho các Âu Cơ.

Buổi lễ gây quỹ diễn ra khá trịnh trọng và quy mô, ngoài sự giới thiệu ngắn gọn của anh chị em thân hữu thiện nguyện của RADIO ĐLSN, là hàng loạt tên tuổi dài thậm thượt với những chức vụ nghe mà ngán tận cổ, nổ màng nhĩ: ông chủ tịch cộng đồng A, Bà hội trưởng hội đoàn B, Phó Giám Đốc D, Bác Sỹ T, Nha Sĩ E, Hội Đồng I, Tổng Thư Ký M, Ủy Viên K và hàng chục tên tuổi chức vụ dài lê thê, nghe mà ngao ngán cho cuộc đời muôn màu hư danh, bả lợi.

Thật ra, hắn không hẳn ngồi ở “cuối đường hầm” tại nhà hàng để giữ đồ – canh của cho mấy Âu Cơ suốt buổi gây quỹ. Lúc giữa buổi tiệc thì có một cô bé đến tận bàn hắn và nói:

“Anh ơi đi chào khách nha.”

Hắn giật mình: “Em có nhầm không, anh đâu có quen ai ở đây đâu mà đi chào khách.”

Cô bé mỉm cười:  “Thì Anh đi đi rồi sẽ biết.” Đến tận bàn đầu, hắn được cô bé giới thiệu những người bạn biết hắn trên facebook, anh phóng viên của đài SBTN, cùng một anh giữ chức gì gì cũng khá quan trọng trong cộng đồng hay hội đồng Liên tôn gì đó.

Rồi cuộc chào hỏi cũng qua đi, Cô bé cùng hắn ủng hộ 200 dollar cho vé số, với điều kiện nếu mà trúng thì cô phải lãnh, chứ mà hắn có trúng cũng như… không. J

Chương trình Văn nghệ thật đặc sắc, xen lẫn với những màn vũ truyền thống của phụ nữ Việt Nam, do Hội Phụ Nữ Âu Cơ thực hiện. Đã lâu lắm rồi hắn không còn nhìn thấy hàng loạt cô gái Việt Nam trong những chiếc áo bà ba, áo dài lễ phục truyền thống, mềm mại uyển chuyển trong các điệu múa văn hoá dân tộc. Thật may mắn và quý hoá cho những ai còn giữ được Văn Hoá, giữ được Tiếng Việt tại xứ người sau 40 năm lưu vong.

Đêm gây quỹ kết thúc khá thành công vào khoảng 11:00 giờ, chỉ còn lại anh em bạn bè hắn khoảng vài mươi người lo thu dọn chiến trường sau buổi tiệc.

Khi chuẩn bị về, hắn được may mắn gặp lại và nói chuyện với chị Cẩm Hồng – một đồng hương quốc gia nghĩa tử, một người phụ nữ thật vui vẻ và luôn có nụ cười trên môi.

Đây là lần thứ hai hắn tiếp chuyện với chị, chị khuyên hắn cười nhiều, và vui lên. Chị bảo: “sao chị thấy tấm hình nào của em cũng buồn thê thảm, vui lên chứ em.”

Hắn gượng gạo: “Có lẽ em không ăn ảnh, mà cười chi cho nhiều hả chị?” xong hắn buột miệng tiếp: “Đời là bể khổ, qua được bể khổ là … qua đời.”

Chị Cẩm Hồng vỗ vai và an ủi hắn như một đứa em trai: “Chị rất mừng được gặp lại em – ráng vui vẻ nhé em.”

Hắn khẽ nói: “Em cũng cười nhiều đó chị  –  NHƯNG EM CHỈ “CÒN LẠI MỘT NỤ CƯỜI BUỒN.”

Hai chị em hẹn gặp nhau trong dịp khác, bịn rịn chia tay…. Hắn bước vội, rời nhà hàng, miệng hát nho nhỏ bài hát của nhạc sỹ Đức Huy:

“Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi, một mình tôi về…..nhiều lần ướt mi”

 

Chương 5: Những chuyện bên lề:

** Hắn mang số Con Rệp: Hôm tối thứ bảy, vì có phái đoàn nữ đến ở lại nhà anh Việt, nên hắn phải dời vào phòng khác, loanh quanh lẩn quẩn, xách túi đồ lên lầu ba, tưởng vắng vẻ như vậy thì không có ai, ai ngờ bước vào, thì nghe tiếng nhạc du dương“khò khò khò” như đoàn xe lửa của ba đấng mày râu. Thấy vậy, hắn vội chạy sang một phòng khác, nằm trong góc kẹt ở một đầu khác của ngôi nhà, vừa mở cửa bước vào thấy hai bóng người nằm chành quành trong căn phòng.

Bước trở ra, suy nghĩ một hồi, Hắn định đem đồ xuống ngủ tại Salon phòng khách, nhưng lại chịu không nổi nghe buổi họp chợ đêm của các Âu Cơ. Hắn vội quyết định trở lại căn phòng lầu hai, lần này thật may mắn, trong phòng chỉ còn một người, hắn mừng quá vội đặt đồ vào chiếc giường dã chiến – xạc pin Iphone – thay đồ đánh răng – và mỏi mệt thiếp vào giấc mộng “kinh hoàng.”

** Cô Phó Nhòm: Cô phó nhòm nói ít làm nhiều có lẽ là người thân thiện nhất – có lẽ cô tuổi con ngựa – tức là đồng tuổi với bạn bè cùng lớp với hắn – Người ta bảo, Dê và ngựa hợp nhau, tuy không tin lắm, nhưng hồi đi học bạn bè hắn đều “ngựa” khỏi chỗ chê, nhưng đối với hắn thật rất chân tình.

Có lẽ kiếp này hắn nặng nợ với những cô “ngựa”, nên đi đâu – dù bất cứ tiểu bang nào, hắn cũng may mắn được một cô tuổi “ngựa” tiếp đãi nồng hậu chân tình.

Thỉnh thoảng hắn lại than thầm:

“Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Còn nhiều câu chuyện thật vui và dễ thương hắn muốn viết thêm nữa, nhưng có lẽ để vào dịp khác – dịp mà hắn sẽ không “Còn một Nụ Cười Buồn” và con tim hắn thật sự sẽ vui trở lại.

 

 

20 – 8, Một Đêm Cuối Mùa Hạ 2015

Bảo Phán (Alain Bảo) viết từ lò than Las Vegas

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s