Sư Siêu Hạnh vốn là một nghệ sĩ guitar. Đặng Huy Hoàng – tên cúng cơm của Sư rất quen thuộc với những ai yêu mến hoạt động âm nhạc ở Nhà Văn Hóa Phú Nhuận Saigon trong những năm sau 1975. Huy Hoàng học đàn từ năm lên 7 tuổi, sau đó bắt đầu học những bài tập từ nhạc sĩ Trần Văn Phú, một người nổi tiếng về guitar flamenco, đồng thời tự học thêm từ sách, bạn bè…
Năm 1976 Huy Hoàng bắt đầu dạy học, tham gia nhiều buổi diễn trong nước và được biết như một guitarist tài năng. Huy Hoàng tham gia nhiều buổi diễn ở California và Indiana. Hiện là thành viên của The Art of Indianapolis, có hai album riêng với những tác phẩm quen thuộc như các prelude của A.Barrios, M.Ponce, Tonadilla, Reverie… một số tác phẩm tự biên soạn như Sakura, Buồn tàn thu, Hòn vọng phu. Với guitarist Đặng Huy Hoàng, đó là sự thể hiện tinh tế những giai điệu trên cây đàn guitar qua ngôn ngữ Thiền. Những ai đã từng nghe Đặng Huy Hoàng trình diễn đều cảm nhận một lối chơi thật phóng khoáng mà vẫn mang đậm chất trữ tình, duyên dáng của classical guitar.
Nhưng mới đây, guitarist Huy Hoàng đã trở thành nhà sư Nam tông gieo duyên tại chùa Bửu Quang Sagon. Người nghệ sĩ với ngón đàn tài hoa đầy cảm xúc, tinh tế đã chọn cho mình con đường hướng thượng khi bước chân vào thiền môn.
Là một tín đồ Thiên chúa ngoan đạo nhưng năm 20 tuổi Sư bắt đầu tìm hiểu về thiền của Phật giáo một cách tha thiết. Sư Giác Thái ở chùa Kỳ Viên đã để lại ấn tượng đầu tiên rất đặc biệt trong lòng sư qua những buổi nói chuyện về Phật Pháp. Sau đó Sư có nhân duyên học thiền với Ngài Thiền sư Kim Triệu. Thời gian đầu hành thiền, có những lúc Sư cảm thấy chơi vơi, lạc lỏng vì học thiền nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không biết rõ con đường mình đi như thế nào. Có khi ngồi thiền, trong lúc quán sát hơi thở không nắm được thực tánh của các pháp, không hiểu được cách làm sao để đi vào thực tánh của pháp. Có khi đang ngồi thiền hoặc kinh hành thì âm nhạc cứ lởn vởn, réo rắt trong tâm, những bài của Bach, Barrios vang lên, cuốn hút mình ghê lắm. Lúc đó sư ghi nhận, quan sát những dòng nhạc trong tư tưởng rồi tự nó biến mất, mình đưa tâm nhè nhẹ trở về với thực tại. Cho nên khi thiền phải giữ tâm chánh niệm, phải chuyên chú biết rõ nguồn gốc sự vật, không cần lựa chọn, phân tích, phân biệt, so sánh.
Mỗi khoảnh khắc phải toàn tâm toàn ý. Khi đi kinh hành, phải chánh niệm biết tác ý muốn đi. Sau đó quán sát cái gì làm cho thân di động, ghi nhận những pháp phát sanh trong lúc đi… giở… bước…đạp…. Trong lúc giở bước đạp có những trạng thái (pháp) trong thân và tâm phát sanh thì phải ghi nhận rõ ràng, chân thật. Đó là cuộc sống thật ngay trong hiện tại của từng bước đi. Khi Sư mới tập đi kinh hành, có lúc phiền não khởi lên, khi đó bước một bước chân thì sư ghi nhận phiền não như thế nào, thuộc loại nào để quan sát cho đúng thực tánh pháp của nó. Có lúc vừa giở chân lên thì phiền não phát sanh, lúc đó chánh niệm mất, sư bèn lùi bước để bắt đầu bước đi lại với chánh niệm và những trạng thái trong sạch. Có khi sự quay trở lại của từng bước đi như vậy cứ lặp đi lặp lại trong khoảng 5 phút rồi mới thực sự tự nhiên trong tỉnh giác. Có thể nói muốn giữ gìn sự an tĩnh ta phải sửa đổi từng hành động sao cho chúng thanh thoát. Ta dùng pháp im lặng làm phương tiện để tăng trưởng chánh niệm khi kinh hành.
Thiền giúp cho người nghệ sĩ khi chơi đàn có khả năng phân tích sâu sắc những hành động, nghe được âm thanh tinh tế hơn, thấy được dòng tư tưởng, cảm xúc của mình đối với tác phẩm để có thể nâng cao sự diễn cảm tốt hơn, âm thanh mượt mà, truyền cảm và sức ngân vang sâu sắc hơn, điêu luyện hơn, nồng nàn hơn. Thiền là chìa khóa mở cửa tâm hồn để chúng ta có thể quán thân, quán tâm thấy được thực tánh của các sắc pháp và danh pháp.
Mỗi nghệ sĩ nổi tiếng đều có con đường riêng đi đến thành công. Sư có nhân duyên để trở thành Giảng Sư môn ABHIDHAMA, tức môn Vi Diệu Pháp, một trong Tam Tạng Kinh Điển thuộc Siêu Tâm lý học. Sư nghiên cứu chuyên sâu vào Thiền học và áp dụng phương pháp hành Thiền TỨ NIỆM XỨ vào việc trau dồi kỹ thuật luyện đàn đã giúp Sư có thể phát huy nghệ thuật đánh đàn một cách thật huyền diệu. Có thể nói Thiền sư và người nghệ sĩ đều là những người đi tìm tâm hồn đích thực của mình. Qua Thiền, người nghệ sĩ nắm được bí quyết truyền đạt làn sóng giao cảm trực tiếp đến người nghe một cách gần gũi, sống động nhất. Sự say mê sáng tạo làm cho người nghệ sĩ hoá thân vào tác phẩm bởi trạng thái tâm thức của họ lên đến một mức độ cũng giống như hành giả trong những trải nghiệm tâm linh thiền định sâu sắc, khiến cho cuộc sống và tâm hồn họ thăng hoa hơn.
Âm nhạc cũng như hội họa, điêu khắc là những môn nghệ thuật giúp cho cuộc đời vui tươi, hạnh phúc. Âm nhạc xoa dịu đau khổ, mang lại hy vọng, hạnh phúc, lẽ công bằng, tình yêu… Nhưng khi xuất gia, trong vấn đề tu học, sư phải bỏ tất cả. Bởi vì đàn hát hay nghe nhạc là mình đang để cho nhĩ căn chạy theo thanh trần. Như thế vọng tưởng sẽ khởi lên, luyến ái sẽ không dứt khi các duyên bên ngoài kích động các chủng tử tập khí bên trong. Nhĩ căn mà cứ lang thang theo thanh trần thì định lực sao có được. Đó cũng là một bước thay đổi rất quan trọng với một người đam mê âm nhạc như Sư. Khó khăn lắm phải lìa bỏ âm nhạc. Sự thực là vậy. Nhưng cuối cùng nếu ta chọn con đường xuất gia tu tập thì ta phải tập buông xả tất cả. Dính mắc là trói buộc rồi, làm sao tâm thanh tịnh. Cho nên, dù âm nhạc gắn bó với tôi đầy yêu thương nhưng sẽ chia xa thôi, vì còn phải giữ giới nữa chớ…